September 11, 2024 | 08:00 GMT+7

Nhân lực công nghệ thông tin lành nghề tiếp tục được săn đón

Thu Hằng -

Khi quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ AI tăng tốc, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin lành nghề tiếp tục tăng, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào việc thu hút và phát triển nhân tài, ông Francois Lancon, Chủ tịch ManpowerGroup khu vực Châu Á – Thái Bình Dương & Trung Đông cho hay...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công nghệ thông tin tiếp tục là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng tăng, cũng là nội dung được đề cập trong báo cáo vừa phát hành về Xu hướng tuyển dụng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương quý 4/2024 của ManpowerGroup (công ty cung cấp giải pháp nhân sự).

DOANH NGHIỆP ĐIỀU CHỈNH ĐỂ THÍCH ỨNG

Theo ManpowerGroup, năm tài chính 2024 sắp bước vào những tháng cuối năm, cũng là thời điểm thị trường việc làm toàn cầu có nhiều biến động, khi mà các doanh nghiệp tăng tốc cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Khảo sát được thực hiện từ ngày 1/7 – 31/7/2024 với hơn 10.000 nhà tuyển dụng từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho thấy triển vọng tuyển dụng đang khởi sắc. Tuy vậy, những bất ổn về kinh tế tiếp tục làm giảm bớt sự lạc quan của không ít doanh nghiệp.

Theo khảo sát, 91% doanh nghiệp không có đủ nhân tài cần thiết để đạt được các mục tiêu về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là tài chính và bất động sản; công nghệ thông tin; công nghiệp và vật liệu.

 

Triển vọng tuyển dụng ròng (NEO) - một chỉ báo về xu hướng thị trường lao động được sử dụng trên toàn cầu – là hiệu số giữa % doanh nghiệp có kế hoạch tăng tuyển dụng và % doanh nghiệp dự định cắt giảm. Tỷ lệ này ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) hiện ở mức 27%.

Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, khảo sát cho thấy 78% doanh nghiệp lĩnh vực này khó tìm kiếm nhân tài đáp ứng yêu cầu. Triển vọng tuyển dụng ròng tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) là 35%. Con số này tăng 7% so với quý trước và giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thời điểm cuối năm đang đến gần cho chúng ta nhìn nhận ngày một rõ hơn về khả năng phục hồi của thị trường lao động khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sự gia tăng trong ý định tuyển dụng từ quý trước, báo hiệu rằng các nhà tuyển dụng đang điều chỉnh để thích ứng với những thách thức kinh tế đang diễn ra, cũng như mong muốn thu hút và giữ chân những nhân tài cần thiết cho sự tăng trưởng”, ông Francois Lancon, Chủ tịch ManpowerGroup khu vực Châu Á – Thái Bình Dương & Trung Đông, chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm rằng trong báo cáo quý 4, ManpowerGroup tiếp tục thấy triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ trong việc thúc đẩy nhu cầu về lực lượng lao động trên toàn khu vực.

“Khi quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ AI tăng tốc, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin lành nghề tiếp tục tăng, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào việc thu hút và phát triển nhân tài”, ông Francois Lancon nói.

XU HƯỚNG TUYỂN DỤNG TẠI TỪNG KHU VỰC TRÊN TOÀN CẦU

Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), khảo sát cho thấy những nhà quản lý tại các quốc gia và vùng lãnh thổ dự báo triển vọng tuyển dụng của khu vực cao thứ hai toàn cầu (đạt mức 27%), tăng 4% so với quý trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng tuyển dụng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh chụp màn hình.
Triển vọng tuyển dụng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh chụp màn hình.

Các doanh nghiệp tại Ấn Độ (37%), Singapore (29%), và Trung Quốc (27%) tiếp tục ghi nhận triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất khu vực. Trong khi đó, Hồng Kông là khu vực có ý định tuyển dụng dè dặt nhất (8%). Triển vọng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu được ghi nhận trong lĩnh vực tài chính và bất động sản (64%) tại Singapore.​

Với khu vực Bắc Mỹ, các nhà tuyển dụng tại đây vẫn tỏ ra lạc quan với triển vọng tuyển dụng ở mức 32% trong quý 4, tăng 5% so với quý trước, và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp tại Mỹ (34%) ghi nhận triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất khu vực, tăng 4% so với quý trước. Mỹ cũng là một trong những quốc gia ghi nhận triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất toàn cầu, thể hiện ở lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tại khu vực Trung & Nam Mỹ, triển vọng tuyển dụng khu vực này đạt 23%, tăng 1% so với quý trước, và giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Triển vọng mạnh mẽ nhất được ghi nhận tại các doanh nghiệp ở Costa Rica (36%), Brazil (32%), và Guatemala (30%).

Doanh nghiệp tại Guatemala cho thấy triển vọng tuyển dụng cao nhất toàn cầu trong lĩnh vực hàng hóa & dịch vụ tiêu dùng (56%). Trong khi đó, Costa Rica chứng kiến triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (53%) và công nghiệp & vật liệu (43%).

Đáng chú ý, trong tất cả các khu vực trên toàn cầu, khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu phi (EMEA) là nơi ghi nhận triển vọng tuyển dụng thấp nhất của các doanh nghiệp, ở mức 21%. Tỷ lệ này dù đã tăng 2% so với quý trước, song vẫn giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp tại Nam Phi và Thụy Sĩ (32%), Ireland và Hà Lan (30%) ghi nhận triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất khu vực. Trong khi đó, doanh nghiệp tại Israel và Cộng hòa Séc dự báo nhu cầu tuyển dụng khiêm tốn nhất.

Triển vọng tuyển dụng tại cả Vương quốc Anh (28%) và Pháp (22%) đều cao hơn mức trung bình của khu vực.

Bỉ chứng kiến triển vọng mạnh mẽ nhất toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe & khoa học đời sống (62%), trong khi Nam Phi dẫn đầu thế giới về tuyển dụng lĩnh vực năng lượng & tiện ích (55%).

Trong bối cảnh thị trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh, nhằm giữ chân người lao động, việc gia tăng cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.

Điều này đặc biệt có hiệu quả đối với các tổ chức ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với 56% doanh nghiệp tại khu vực này lựa chọn. Cùng với đó là các chiến lược về đào tạo cấp quản lý để hỗ trợ người lao động tốt hơn; nhiều cơ hội thăng tiến hơn; giảm căng thẳng cho người lao động; hay nâng cấp các công cụ công nghệ…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate