Năm 2021, một loạt ngân hàng thay nhân sự cấp cao và Techcombank mở đầu cho xu hướng này. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, có trên 10 quyết định như vậy ở các ngân hàng.
LÀN SÓNG TRẺ HÓA TỔNG GIÁM ĐỐC
Ngoài Techcombank như nói trên là các đơn vị: VietABank, SCB, VietBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, NCB, SHB... Thậm chí, có ngân hàng trong vòng 10 tháng nhưng 3 lần thay đổi quyền tổng giám đốc.
Mỗi quyết định đều được gắn với một lý do khác nhau. Do thay đổi nhiệm kỳ; do người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khoẻ; do thay đổi lớn về chủ sở hữu; do chiến lược kinh doanh; do mô hình chuyển đổi số…
Quan sát nhanh có thế dễ dàng nhận thấy, loạt thay đổi năm 2021 vẫn gắn với nhiều gương mặt cũ, tức đi lên từ chính nội bộ ngân hàng. Ông Đỗ Việt Hùng thành viên Hội đồng quản trị lên nắm quyền điều hành Hội đồng quản trị Vietcombank. Tương tự, ông Trần Văn Tần thành viên Hội đồng quản trị VietinBank cũng lên phụ trách hoạt động Hội đồng quản trị ngân hàng này. Đây là những trường hợp được cho là điều hành tạm thời trước khi ngân hàng bổ sung những gương mặt mới với hy vọng mang lại luồng gió mới cho ngân hàng.
Có nhiều nguyên nhân khiến ngân hàng phải thay "tướng" như: thay đổi nhiệm kỳ; người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khoẻ; thay đổi lớn về chủ sở hữu; chiến lược kinh doanh; chuyển đổi số. Tuy nhiên, điểm thay đổi rõ nét nhất trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng thương mại trong năm 2021 chính là sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ “8X”, trên dưới 40 tuổi.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng lại thuê nhân sự cấp cao nước ngoài với mong muốn mang đến các sáng kiến, tận dụng khả năng digital banking từ họ nhằm giúp đẩy mạnh sự chuyển hóa nguồn lực doanh nghiệp tạo ra quy trình làm việc hiệu quả chuyên nghiệp hơn, đưa ngân hàng phát triển lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, thay đổi rõ nét nhất trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng thương mại trong năm 2021 chính là sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ “8X”, trên dưới 40 tuổi. Cụ thể, ngày 29/7, Ngân hàng NCB đã họp Đại hội cổ đông bất thường bầu bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980 vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trước đó cuối tháng 5/2021, Kienlongbank chính thức bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985. Cùng trong tháng 5, SCB có quyết định giao ông Trương Khánh Hoàng đảm nhận vị trí quyền Tổng giám đốc, ông Hoàng được biết tới như một gương mặt sáng giá trong câu lạc bộ CEO tài chính 8X. Tương tự, cuối tháng 4/2021, ông Dương Nhất Nguyên sinh năm 1983 được bầu làm Chủ tịch VietBank.
Đánh giá về diễn biến trẻ hoá của dàn nhân sự cấp cao, Chủ tịch một ngân đã nhiều tuổi từng chia sẻ rằng: “Mình làm lãnh đạo đã quá lâu, có khi lại kìm hãm sự phát triển của tuổi trẻ. Cá nhân tôi với ngân hàng đến giờ không phải quá quan trọng, bởi lúc này chúng tôi đã có nhiều gương mặt mới, tài năng và sẵn sàng thay thế”.
Hoặc một trường hợp khác, dù tuổi đời còn trẻ, ngồi ghế tổng giám đốc khá lâu (21 năm) nên ngân hàng cũng tìm một lựa chọn mới, đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Lê, nguyên Tổng giám đốc SHB. Trong 21 năm giữ cương vị tổng giám đốc SHB, dấu ấn của ông Nguyễn Văn Lê là xử lý thành công vụ sáp ngập ngân hàng Habubank theo đề tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2012 - 2016.
THAY ĐỔI NHÂN SỰ GẮN VỚI MỤC TIÊU SỐ HÓA
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search, ngân hàng số đã trở thành cụm từ thời thượng, được các ngân hàng chọn làm mục tiêu cho tương lai. Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều thành lập bộ phận riêng, phòng ban riêng, đơn vị riêng, thậm chí là thương hiệu riêng để dẫn dắt ngân hàng vào cuộc đua trong không gian kỹ thuật số. Mà muốn làm được điều này, không chỉ các bộ phận, ngay cả lãnh đạo ngân hàng cũng phải hòa mình vào công cuộc số hoá.
"Bây giờ là thời điểm ngân hàng sẽ có sự sàng lọc cao về nhân sự cấp cao nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng, cũng như tập trung tuyển dụng cho những mảng mũi nhọn hoặc các dự án chuyển đổi số"
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search.
Do đó, để rút ngắn thời gian, chi phí, các ngân hàng thường đưa ra yêu cầu trẻ tuổi và am hiểu công nghệ đối với vị trí lãnh đạo cấp cao. “Tôi cho rằng, bây giờ là thời điểm ngân hàng sẽ có sự sàng lọc cao về nhân sự cấp cao nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng, cũng như tập trung tuyển dụng cho những mảng mũi nhọn hoặc các dự án chuyển đổi số”, bà Lan nói.
Thực tế, ngân hàng MB gần đây đã bổ nhiệm 3 thành viên ban điều hành gồm ông Phạm Như Ánh, ông Vũ Thành Trung và ông Vũ Hồng Phú. Theo MB, quyết định trên nhằm hiện thực hóa mục tiêu ngân hàng số. Các nhân sự này thuộc thế hệ 8x, có thời gian gắn bó lâu dài với MB, có trình độ học vấn cao và khả năng làm việc quốc tế, được kỳ vọng sẽ đóng góp hiệu quả trong công cuộc chuyển đổi số thời gian tới.
Tương tự, không phải ngẫu nhiên một ngân hàng có truyền thống giữ tướng như SHB lại có quyết định như trên. Nhất là khi họ đã vượt qua quá trình tái cơ cấu để trở thành top 5 ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất Việt Nam với quy mô tài sản đạt hơn 458 nghìn tỷ đồng. Ở kỳ báo cáo tài chính gần nhất, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận 6 tháng đầu 2021 tăng trưởng tới 86,5% so với cùng kỳ năm trước, cùng nguồn lực sẵn sàng cho mục tiêu xử lý gọn nợ xấu…
Song đến thời điểm này, khi lịch sử SHB bắt đầu sang trang mới, cần có đà bứt phá, điều thay đổi đã đến. Hiện SHB đang ráo riết chuẩn bị cho loạt thương vụ khủng như tăng vốn lên 26 nghìn tỷ đồng; chuyển sàn sang HOSE và khoá room để thu hút dòng vốn ngoại…
Đặc biệt, khi chia sẻ với báo chí, đại diện SHB cũng cho biết, ngân hàng đang muốn theo xu hướng thị trường, tức dùng tướng trẻ. Trong đó, nhân sự cấp cao tại SHB đang có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện nhiều thành viên Phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc thế hệ 8x. Đồng thời, cơ cấu nhân sự chuyển dịch theo hướng công nghệ hoá.
“Khi có sự xuất hiện của Fintech và làn sóng chuyển đổi số, việc thay đổi CEO đơn thuần là sự đổi mới theo xu hướng thị trường. Thậm chí thị trường có thể kỳ vọng vào bước nhảy vọt mà SHB đang kỳ công chuẩn bị. Ngoài ra, về tiêu chuẩn CEO mới, chúng tôi không quan trọng nội hay ngoại, điều quan trọng phải hội tụ đủ yếu tố: trẻ, có tài, có tầm và có tâm”, đại diện SHB cho biết.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, ở những quốc gia mà thị trường tài chính phát triển, người trong thành phần hội đồng quản trị, điều hành ngân hàng thường được lựa chọn để phục vụ mục tiêu, chiến lược, trong một khoảng thời gian nhất định.
"Mỗi khi thị trường xuất hiện thay đổi xu hướng, luôn luôn có chỗ cho những người tài. Nhưng ngân hàng cần cẩn trọng việc nhân sự mới không tôn trọng những chuẩn mực hiện hành"
Luật sư Trần Minh Hải.
Mặt khác, theo quy định hiện hành của Việt Nam với vị trí nhân sự cấp cao của ngân hàng, ngoài nguyên tắc tiêu chuẩn chung theo luật định thì không cần phân biệt yếu tố chuyên môn, lĩnh vực hoạt động trước đó của nhân sự. Nên nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khác cũng có thể đứng đầu ngân hàng.
“Mỗi khi thị trường xuất hiện thay đổi xu hướng, luôn luôn có chỗ cho những người tài. Sẽ rất tốt cho ngân hàng, nếu người đứng đầu mang kinh nghiệm trong lĩnh vực trước đó của họ bổ sung vào hoạt động ngân hàng muốn hướng tới. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải cẩn trọng việc nhân sự mới không tôn trọng những chuẩn mực hiện hành”, luật sư Hải chia sẻ.
Dẫu vậy, làn sóng cơ cấu lại nhân sự gần đây của các ngân hàng cũng khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Phía sau những sự thay đổi đó là cơ hội cho những gương mặt mới, cho thế hệ trẻ thể hiện và khẳng định mình. Nhưng thử thách phía trước là rất lớn. Bởi bối cảnh chuyển giao năm nay không còn toàn màu hồng. Áp lực từ dịch bệnh Covid-19 sẽ hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009 hay quá trình cơ cấu lại hệ thống năm 2013 trước đó.