Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12 (1-15/12/2023), tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,48 tỷ USD, tăng 6,1% (tương ứng tăng 893 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2023.
Trong đó, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 12/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 11/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 135 triệu USD (tương ứng tăng 3,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 62 triệu USD (tương ứng tăng 3,3%).
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/12/2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 312,35 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 34,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện giảm xấp xỉ 12 tỷ USD (tương ứng giảm 58,8%). Tính đến 15/12, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 8,4 tỷ USD.
Riêng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tới 26,93% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Đồng thời, đây cũng là nhóm hàng xuất nhập khẩu có quy mô kim ngạch lớn nhất cả nước.
So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,44% (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,34 tỷ USD).
Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc dẫn đầu với 25,94 tỷ USD (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 11/2023), tăng 21% so với cùng kỳ 2022 và chiếm 32% kim ngạch nhập khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.
Thị trường Trung Quốc dù giảm 5,8% so với cùng kỳ 2022 nhưng vẫn đạt con số 21,17 tỷ USD.
Về tình hình nhập khẩu hàng hóa nói chung, tính từ đầu năm đến hết 15/12/2023, tổng kim ngạch đạt 312,35 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 34,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện giảm là sức tiêu dùng trong nước yếu, trong khi các đơn hàng xuất khẩu điện thoại, linh kiện cũng giảm mạnh.