Tại phiên chất vấn sáng 6/11 đối với "tư lệnh" ngành tài chính, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ, cử tri nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra giải pháp để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền, lợi ích của người dân.
"Quan điểm của Bộ ra sao về ý kiến của cử tri đề nghị không bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe ô tô và xe máy mà để người dân tự nguyện mua bảo hiểm này khi có nhu cầu", bà Phúc đặt vấn đề.
Thời gian qua, cử tri nhiều tỉnh, thành như: An Giang, Bến Tre, Long An, Bình Thuận... cũng liên tục than phiền về vấn đề này và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các công ty kinh doanh bảo hiểm xe máy đẩy nhanh bồi thường bảo hiểm xe máy theo giao kết.
Bởi theo phản ánh, khi xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tồn thất, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba theo hạn mức trách nhiệm đã được giao kết, việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà.
Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng bảo hiểm xe máy không có giá trị sử dụng và chỉ để đối phó cảnh sát giao thông; do đó, người dân không ít lần kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Kinh doanh Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Thời gian qua, trong số các vụ việc, xe máy chiếm 64% nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, lên tới 2.300 tỷ đồng.
"Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Thông tin thêm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới , Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đến 5 nội dung.
Thứ nhất, người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng thì được bảo hiểm chi trả tối đa 150 triệu đồng, xe hư hỏng được trả tối đa 50 triệu đồng.
Thứ hai, để thuận lợi hơn trong chi trả, Nghị định số 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định rõ trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả bảo hiểm cho người dân bị tai nạn.
Trong trường hợp ảnh hưởng tới tính mạng mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng, chỉ cần có ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử, trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải giải quyết các thủ tục cần thiết.
Thứ ba, hiện tại, quy định mới của nghị định đã cắt giảm 2/5 tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng so với quy định trước đây, chỉ yêu cầu thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, trong khi theo quy định cũ phải thu thập các tài liệu này trong mọi trường hợp.
Thứ tư, nghị định cũng đưa ra yêu cầu các lực lượng công an có trách nhiệm cung cấp bản sao các tài liệu trên trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả điều tra tai nạn giao thông. Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung quy định rõ trách nhiệm cung cấp hồ sơ bồi thường bảo hiểm của các bên.
Thứ năm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.