"Các chuyên gia chúng tôi dự kiến sẽ mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh, sau 3 ngày thì mùi sẽ giảm nhiều".
Thông tin trên được TS. Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản nêu ra khi ông dẫn đầu đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều 11/4 tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến môi trường, vấn đề lớn trong quá trình phát triển đất nước. Do đó, những lĩnh vực mà TS.Tadashi Yamamura trao đổi trong chuyến thăm lần này rất thiết thực đối với Việt Nam . Thủ tướng hy vọng, chuyến thăm này của đoàn đóng góp việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng, quan hệ phát triển mạnh mẽ, tin cậy trên nhiều lĩnh vực, do đó, đây là lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng.
Về đề nghị tài trợ miễn phí thí điểm xử lý ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ mới, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất này, cho rằng, đây là một ý tưởng tốt, phù hợp chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc; đánh giá cao việc các bạn Nhật Bản đã vận động nguồn kinh phí để thực hiện công việc này từ nguồn xã hội hóa.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) trao đổi và làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội để nghiên cứu, quyết định phương án và tổ chức thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Đây là nền tảng tốt để xử lý ô nhiễm nước ở những địa phương khác. Thủ tướng tin tưởng với kinh nghiệm, phía Nhật Bản sẽ thành công trong xử lý nước thải ở Hà Nội. Sau khi thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để quyết định chủ trương.
Nói thêm về kế hoạch và tính ưu việt của công nghệ, TS.Tadashi Yamamura cho biết, công nghệ mà các chuyên gia dự kiến mang sang Việt Nam gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên... Ông cũng cho biết, phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị này; hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua nhiều quận, huyện của Hà Nội như Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Dòng sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng do người dân thành phố xả nước thải sinh hoạt trực tiếp chưa qua xử lý xuống lòng sông.