February 21, 2023 | 18:12 GMT+7

Nhật Bản: Sự đối lập của du lịch trong và ngoài nước

Tường Bách -

Du lịch là ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Nhật Bản khi hàng năm chiếm khoảng từ 6 - 7% GDP. Do vậy, từ cuối năm ngoái, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch trong nước và thu hút khách quốc tế…

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Theo Tổng cục Du lịch Nhật Bản, trong năm 2023 này, du lịch nội địa sẽ khôi phục khoảng hơn 90% lượng khách so với trước đại dịch Covid-19. Số liệu này được thống kê sau khi Công ty du lịch Nhật Bản JTB tiến hành điều tra nhu cầu du lịch trong năm nay dựa trên các câu hỏi cụ thể.

Theo đó, số lượng khách du lịch nội địa có nhu cầu tham gia các chuyến tour từ 1 đêm trở lên là 66 triệu lượt người, tăng 8,6% so với năm 2022. Bên cạnh đó, số người mong muốn đi du lịch nước ngoài khoảng 8,4 triệu người, trong khi số khách quốc tế dự kiến đến Nhật Bản là khoảng 21,1 triệu người.

KHÔNG CÓ NHU CẦU VỚI DU LỊCH OUTBOUND

Các số liệu thống kê cho thấy người dân toàn cầu ngày càng đi du lịch thường xuyên hơn, trong khoảng thời gian dài hơn hơn, với nhiều người lên những kế hoạch du lịch tốn kém trong năm nay. Tuy nhiên vẫn có bộ phận dân số không còn muốn tận hưởng những chuyến du lịch nữa, với nhóm đông nhất tập trung ở châu Á, đáng chú ý là ở Nhật Bản.

Kết quả một cuộc khảo sát mang tên "Tình trạng Du lịch và Khách sạn" do công ty tư vấn toàn cầu Morning Consult thực hiện đối với 16.000 người trưởng thành ở 15 quốc gia cho thấy châu Á là nơi phổ biến nhất tình trạng người dân “không bao giờ đi du lịch nữa". Nhật Bản ghi nhận mức cao nhất, với 35%, tiếp đó là Hàn Quốc 15%, Trung Quốc và Mỹ mỗi nước là 14%.

Tetsu Nakamura, giáo sư tại ĐH Tamagawa (Tokyo, Nhật Bản) và là chuyên gia tâm lý học và hành vi du lịch, cho CNN biết hôm 19/2 rằng kết quả trên "không có gì đáng ngạc nhiên". “Năm 2019, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, những người Nhật Bản đã đi du lịch nước ngoài rất ít", ông Nakamura nói. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, mặc dù nước này có "hộ chiếu quyền lực nhất thế giới", chưa đến 20% người Nhật đi đăng ký hộ chiếu. Đối với một số người “không có ý định đi du lịch nước ngoài”, các chuyến đi nội địa ở Nhật Bản là đủ.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, người Nhật Bản đã không hào hứng với du lịch nước ngoài mà cho rằng du lịch trong nước là đủ.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, người Nhật Bản đã không hào hứng với du lịch nước ngoài mà cho rằng du lịch trong nước là đủ.

Năm ngoái, khi nhiều quốc gia chứng kiến hoạt động du lịch bùng nổ do nhu cầu du lịch của người dân bị dồn nén sau đại dịch và các nước mở cửa lại biên giới, thì người Nhật Bản lại tỏ ra "thờ ơ" đối với việc nước này mở cửa trở lại. Theo nhà sáng lập công ty du lịch Japan Localized, Dai Miyamoto, nhiều người Nhật Bản không quan tâm tới du lịch outbound và chỉ chọn đi du lịch trong nước. “Đối với nhiều người dân Nhật Bản, không có nơi nào tốt đẹp như ở nhà mình. Nhật Bản có thiên nhiên, lịch sử và văn hóa đa dạng cũng là động lực khiến người dân thích đi du lịch nội địa". 

Thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản cho biết sau sự gia tăng nhanh chóng về du lịch quốc tế trong những năm 1970 và 1980, số lượng công dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài phần lớn đã chững lại kể từ giữa những năm 1990.

 
Từ năm 2000 đến năm 2017, chỉ có khoảng 18 triệu người Nhật đi du lịch nước ngoài, bất chấp sự tăng trưởng đáng kinh ngạc đối với du lịch quốc tế trên toàn thế giới.

“Nhiều người Nhật cảm thấy du lịch nước ngoài tốn thời gian. Họ cho rằng những chuyến đi ra khỏi đất nước cần tiêu tốn nhiều tiền, kỹ năng và kế hoạch", giáo sư Nakamura nói. Kotaro Toriumi, một nhà phân tích du lịch và hàng không Nhật Bản, cũng nhận định rằng định kiến về các thủ tục du lịch nước ngoài phức tạp trong thời kỳ đại dịch cùng mối lo lây nhiễm đã cản trở người Nhật tìm kiếm các chuyến du lịch nước ngoài trong năm nay. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số lượng du khách Nhật Bản ra nước ngoài đã giảm 86,2% vào năm 2022.

NỖ LỰC THÚC ĐẨY DU LỊCH INBOUND

Ở chiều ngược lại, khi chính phủ Nhật Bản nới lỏng các hạn chế biên giới liên quan đến Covid-19 vào tháng 10/2022, đã rất đông du khách nước ngoài muốn quay trở lại điểm đến yêu thích của họ. Đã có khoảng 3,8 triệu du khách đã đến Nhật Bản vào năm ngoái. Hội đồng du lịch nước này dự báo Nhật Bản có thể tận dụng sự phục hồi toàn cầu về nhu cầu đi lại bằng đường hàng không kết hợp với sự quan tâm đến Hội chợ triển lãm 2025 ở Osaka để thúc đẩy du lịch inbound. JTB dự đoán sẽ có 21,1 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, gấp hơn 5 lần so với con số của năm ngoái.

Sam Sakamura, Phó Chủ tịch của khách sạn Hyatt Hotels tại Nhật Bản và Micronesia cho biết: "Kể từ khi Nhật Bản mở cửa trở lại với du khách nước ngoài vào mùa thu năm ngoái, các khách sạn của Hyatt ở nước này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về lượng khách. Ông cho biết thêm, lượng đặt trước đã tăng khoảng 180% so với cùng kỳ năm ngoái". Ông Sakamura tin tưởng rằng Nhật Bản vẫn là một điểm đến phổ biến, đồng thời chỉ ra rằng quốc gia này đã đứng đầu 117 quốc gia trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về mức độ hấp dẫn trong ngành du lịch và lữ hành vào năm 2021.

Tổng cục Du lịch Nhật Bản cũng đang xây dựng "Kế hoạch cơ bản thúc đẩy quốc gia du lịch mới, trong đó mục tiêu đến năm 2025, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản sẽ đạt 200.000 yen/người (1.520 USD/người). Về số lượng du khách đến Nhật Bản, kế hoạch mới chỉ đặt mục tiêu "cao hơn năm 2019", năm đánh dấu số lượng khách du lịch đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 31,88 triệu lượt.  

Để có thể nâng chi tiêu của khách du lịch, việc tăng số ngày lưu trú và đơn giá phòng nghỉ là cần thiết. Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ như cải tạo cơ sở lưu trú tại các địa phương, mục tiêu nâng số ngày lưu trú tại các địa phương nằm ngoài 3 thành phố lớn là Tokyo, Aichi, Osaka là 1,5 ngày, tăng so với mức 1,35 ngày năm 2019.

Nhật Bản được rất đông du khách nước ngoài coi là điểm đến mơ ước.
Nhật Bản được rất đông du khách nước ngoài coi là điểm đến mơ ước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Nhật Bản sẽ triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu. Theo cơ quan này, tại thời điểm năm 2019, mặc dù số khách du lịch thượng lưu đến Nhật Bản (giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu yen trở lên) chỉ chiếm 1% (290.000 người), song lại chiếm tới 11,5% tổng chi tiêu (550 tỷ yen). Theo Nikkei Asia, ngành du lịch Nhật Bản đang phát triển nhiều dịch vụ hướng đến các du khách giàu có.

Palace Hotel Tokyo, nằm gần Cung điện Hoàng gia, bắt đầu cung cấp các dãy phòng lớn với giá từ 280.000 yên trở lên. Hạng mục này đã giúp nâng giá phòng trung bình của khách sạn lên mức cao nhất kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 12 năm ngoái. Daisuke Yoshihara, Chủ tịch điều hành khách sạn này cho biết: "Chúng tôi không còn nhắm đến tỷ lệ lấp đầy phòng cao nữa. Nhiều thập kỷ giảm phát đã giúp xây dựng hình ảnh của Nhật Bản là một điểm đến chi tiêu bình ổn và thu hút được du khách nước ngoài. Do đó, cạnh tranh đã bắt đầu tập trung vào việc đáp ứng hai loại nhu cầu du lịch: giá cả hợp lý và siêu đắt đỏ".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate