Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã ra thông báo về việc nước này thông qua kế hoạch loại bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện tại, vốn bị chỉ trích là vỏ bọc cho việc nhập khẩu lao động giá rẻ.
Đồng thời, tạo ra một dự luật sử dụng lao động nhập cư mới, được cho là thực sự hướng tới việc đào tạo kỹ năng và bảo vệ quyền lợi của nhân công. Theo đó, dự luật mới cho phép thực tập sinh thay đổi chỗ làm trong cùng một lĩnh vực, sau tối đa 2 năm làm việc. Khoảng thời gian thay đổi sẽ tùy theo ngành.
Các tổ chức chịu trách nhiệm tiếp nhận lao động nước ngoài và giám sát người sử dụng lao động theo chương trình thực tập hiện tại, sẽ được chuyển đổi thành các tổ chức giám sát và hỗ trợ theo dự luật mới.
Dự luật này nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động nhập cư; đào tạo các kỹ năng được chỉ định theo chương trình hiện có nhằm cấp tư cách cư trú trung và dài hạn cho những người có kỹ năng; giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nước này.
Thời gian đào tạo theo dự luật mới là 3 năm. Những người vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật sẽ có thể đạt tư cách lưu trú loại 1 theo chương trình kỹ năng được chỉ định. Điều này cho phép họ có thị thực làm việc tại Nhật Bản trong tối đa 5 năm.
Những người lao động nước ngoài có tay nghề cao, đạt được tư cách lưu trú loại 2, sẽ được phép sống ở Nhật Bản vĩnh viễn và đón gia đình sang đoàn tụ.
Ngoài ra, để bảo vệ người lao động nước ngoài, dự luật mới còn yêu cầu tăng cường hình phạt đối với tội khuyến khích người nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Cụ thể, người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 5 triệu Yên.
Chính phủ sẽ trình dự thảo trong phiên họp quốc hội để sửa đổi các luật liên quan. Dự luật mới dự kiến sẽ được thực hiện sớm nhất vào năm 2027.
Những người nước ngoài đã và đang theo chương trình thực tập sinh hiện tại vẫn được ở lại Nhật Bản cho đến khi hoàn thành chương trình thực tập 3 năm, ngay cả sau khi hệ thống mới được triển khai.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình như: Thực tập sinh kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên.
Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Sau dịch bệnh Covid-19, số người lao động Việt Nam sang Nhật Bản có chững lại do suy thoái kinh tế, đồng Yên sụt giảm, song dòng nhân lực đang có dấu hiệu phục hồi, tăng tích cực trở lại.
Năm 2023 ghi mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc cao nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người.