September 07, 2024 | 21:46 GMT+7

Nhật Bản thiếu gạo nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ

An Huy -

Dù có tiềm năng trở thành một siêu cường xuất khẩu gạo, Nhật Bản đang rơi vào tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Vừa trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử, Nhật Bản lại đối diện với tình trạng thiếu nguồn cung gạo nghiêm trọng nhất trong 30 năm trở lại đây. Kệ gạo trong các siêu thị, cửa hàng ở nước này luôn trong tình trạng trống trơn, giá gạo tăng mạnh và Chính phủ phải thuyết phục người dân không hoảng sợ tích trữ gạo.

Theo tờ Financial Times, các siêu thị ở Nhật đã đưa ra giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1 túi gạo một lúc. Nhiều người mua gạo online bị hủy đơn hàng đột ngột hoặc phải bốc thăm như xổ số, dẫn tới chỉ một số người mua có được gạo giao tới tận tay. Những nguyên nhân dẫn tới sự khan hiếm gạo ở đất nước mặt trời mọc bao gồm lượng khách du lịch quá lớn dẫn tới nhu cầu sushi tăng vọt, thời tiết cực đoan, và việc nước này theo đuổi chính sách nông nghiệp sai lầm trong nhiều thập kỷ.

Ở thời điểm tháng 6 năm nay, lượng gạo tồn trữ của khu vực tư nhân ở Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Giá của một bao tiêu chuẩn 5 kg gạo hiện đã lên tới 3.000 yên (21 USD), tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Những người có tâm lý hoảng sợ đang mua nhiều gạo hơn số gạo họ có thể tiêu thụ. Nhưng tôi hiểu lý do tại sao”, bà Minami Ota, một người đi mua hàng ở phường Bunkyo, thành phố Tokyo,  nói với phóng viên Financial Times. Bà Ota đã đi 4 cửa hàng trước khi mua được một túi gạo chất lượng thấp hơn so với loại bà thường mua.

“Ngay cả khi không ăn cơm hàng ngày, người Nhật vẫn muốn trong nhà có gạo”, bà nói.

Giới chức Chính phủ Nhật Bản cho biết đang đánh giá lại khả năng trụ vững của hệ thống lương thực - thực phẩm của nước này. Nhật Bản chỉ có khả năng tự đáp ứng 38% nhu cầu lương thực - thực phẩm, nhưng hoàn toàn tự cung tự cấp về gạo và Chính phủ nước này kiểm soát cẩn trọng viẹc nhập khẩu gạo trong khi hạn chế sản lượng gạo để giữ giá gạo ở mức cao.

Theo ông Kazuhito Yamashita, một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản và hiện là một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu toàn cầu Canon, nước này đã lơ là với việc nước này ngày càng dễ bị tổn thương với các cú sốc liên quan tới lương thực - thực phẩm. “Chính sách giảm sản lượng gạo một cách có chủ đích nhằm hỗ trợ giá gạo đã đặt Nhật Bản vào một vị thế mà chỉ cần những thay đổi tương đối nhỏ về nguồn cung hay nhu cầu gạo cũng có thể gây ra những tác động tương đối nghiêm trọng”, ông Yamashita phát biểu.

“Chúng tôi tự đẩy mình vào tình trạng này”, ông Yamashita nói. Ông cho rằng nếu theo đuổi chính sách khác, Nhật Bản lẽ ra có thể đã trở thành một siêu cường xuất khẩu gạo, với sản lượng gạo lớn gấp đôi, lượng dự trữ gạo khổng lồ và nắm giữ một vai trò toàn cầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Lượng du khách quốc tế thăm Nhật Bản tăng mạnh là một nhân tố đẩy lượng tiêu thụ gạo ở nước này gia tăng, đạt mức 6,9 triệu tấn vào năm 2021. Con số kỷ lục 21 triệu du khách thăm Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm nay, và tổng lượng tiêu thụ lương thực - thực phẩm và đồ uống của du khách trong quý 2 tăng gần 75% so với cùng kỳ năm 2019. Giới chuyên gia cho rằng du khách nước ngoài hiện có thể khiến nhu cầu gạo của Nhật Bản tăng thêm 100.000 tấn mỗi năm.

Năng suất lúa gạo của Nhật Bản trong vụ thu hoạch năm 2023 gần với mức trung bình, nhưng thời tiết mưa lớn và nắng nóng gay gắt đã khiến cho một lượng lớn gạo sản xuất ra không đảm bảo chất lượng để bán. Ông Yamashita cho biết, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khiến khoảng 200.000 tấn gạo không thể được cung cấp ra thị trường.

Trong khi đó, tổng diện tích đất để trồng lúa gạo ở Nhật Bản đang ngày càng giảm. Các chính phủ nối tiếp nhau của Nhật Bản, do có sự phụ thuộc lớn vào lực lượng cử tri ở các vùng nông thôn, đã trợ cấp cho nông dân để họ bỏ hoang những cánh đồng trồng lúa gạo.

Chính sách này được biện minh bởi sự kết hợp giữa dân số suy giảm và khẩu vị thay đổi. Dù gạo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong nền ẩm thực Nhật Bản, nhu cầu gạo của nước này đã giảm trong nhiều thập kỷ. Từ năm 2014 đến nay, số tiền mà các hộ gia đình ở Nhật chi để mua bánh mì đã nhiều hơn tiền mua gạo - theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Nhật Bản.

Nhu cầu gạo của Nhật Bản giảm dần qua các năm. Đơn vị: triệu tấn gạo/năm tài khóa - Nguồn: FT.
Nhu cầu gạo của Nhật Bản giảm dần qua các năm. Đơn vị: triệu tấn gạo/năm tài khóa - Nguồn: FT.

Tổng lượng tiêu thụ gạo của Nhật Bản đã giảm khoảng 100.000 tấn mỗi năm, xấp xỉ bằng lượng gạo mà Chính phủ Nhật áp dụng chính sách giảm sản lượng. Cùng với đó, số nông dân trồng lúa gạo của Nhật Bản - với tuổi trung bình khoảng 69 - đang ngày càng giảm. Các cánh đồng trồng lúa gạo đang ngày càng thu hẹp - với tốc độ giảm mà công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho là sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, trong bối cảnh chi phí phân bón và năng lượng tăng cao.

“Nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ có khả năng Nhật Bản không thể đảm bảo được nguồn cung gạo ổn định trong tương lai”, nhà phân tích Daisuke Iijima của Teikoku nhận định.

Các kệ gạo trong siêu thị ở Nhật Bản có thể sớm đầy trở lại khi vụ lúa hè được thu hoạch và gạo mới được đưa ra thị trường trong mấy tuần tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng điều đó sẽ đồng nghĩa với lượng gạo tồn trữ bị rút sớm và có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa hè năm sau.

“Tháng 5 năm nay, khi vụ lúa gạo hiện đang thu hoạch được gieo trồng, Chính phủ Nhật Bản không nghĩ là sẽ xảy ra cảnh thiếu gạo. Bởi vậy, họ có ‘dũng khí’ để giảm sản lượng gạo trong năm 2024”, ông Yamashita nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate