March 20, 2024 | 17:54 GMT+7

Nhật Bản thúc đẩy các bước nhằm thu hút lao động Việt Nam  

Tuấn Dũng -

Nhật Bản đang có nhu cầu nhân lực rất lớn đối với 12 ngành, nghề. Đó là sản xuất thực phẩm đồ uống, xây dựng, chế tạo máy, thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp và điều dưỡng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ishii Chikahisa cho biết hiện tại Nhật Bản đang có nhu cầu nhân lực rất lớn đối với 12 ngành, nghề. Đó là sản xuất thực phẩm đồ uống, xây dựng, chế tạo máy, thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp và điều dưỡng… Lao động Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Lao động Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua. Trong đó, số thực tập sinh chiếm tới 40%.

Lao động Việt Nam rất chăm chỉ nhưng cần tham gia chương trình kỹ năng đặc định để trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật Bản và các kiến thức kỹ năng nghề. Từ đó có thể giúp nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Mới đây, trong hội thảo “Tiên phong trong nỗ lực dịch chuyển lao động quốc tế giữa Nhật Bản và Việt Nam”, ông Nagata Yuki, Trưởng phòng Điều phối chính sách, Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản đã chia sẻ Chính phủ Nhật Bản đã họp, xem xét, trình Quốc hội Nhật Bản thông qua về chế độ tiếp nhận lao động mới, trong đó có lao động Việt Nam. Việc hoàn thiện, đưa vào thực hiện các chế độ này sẽ mất thêm một thời gian nữa. 

Tuy nhiên, khi được thực hiện, chế độ sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm ưu tiên bảo vệ quyền lợi của lao động nước ngoài ở Nhật Bản, tạo cơ hội thăng tiến cho người nước ngoài và bảo đảm người nước ngoài an tâm chung sống ở nước này…

Theo đánh giá của ông Kubo Yoshitomo, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, xã hội Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng, đồng nghĩa với việc thiếu lực lượng lao động nghiêm trọng. Do đó, việc đổi mới chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam là rất quan trọng đối với Nhật Bản hiện nay. Nhật Bản sẽ giảm áp lực đối với nguy cơ thiếu hụt lao động để phát triển đất nước.

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản từ năm 1992, thời gian 3-5 năm với mức thu nhập bình quân hiện đạt 1.200-1.400 USD mỗi tháng. Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.

Nhiều chương trình, dự án đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Nhật Bản triển khai như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định, Chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đang phát huy hiệu quả.

Khi quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển, cơ hội đi làm việc tại Nhật Bản thông qua con đường xuất khẩu lao động càng trở nên thuận lợi hơn. Xét về nhiều góc độ thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản đang là thị trường tiếp nhận lao động tốt nhất hiện nay.

Đặc biệt mới đây, Chính phủ Nhật Bản quyết định mở rộng thêm 9 ngành nghề bao gồm: chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú kỹ năng đặc định và nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.

Tại Nhật Bản hiện có tới 85 ngành nghề tuyển dụng thực tập sinh ở 7 khối ngành lớn gồm: Nông nghiệp, điện tử, xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt may và cơ khí - kim loại, chế biến thủy sản. Nhận định của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, đến năm 2030, Nhật Bản cần thêm 630.000 nhân lực nước ngoài để bổ sung vào lực lượng lao động thiếu hụt.

Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.

Trong thời gian tới đây, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate