Giới tinh hoa chính trị ở Tokyo đã cảm thấy lo ngại về khả năng tỷ phú Donald Trump có thể trở thành Tổng thống Mỹ, tờ Financial Times cho biết.
Là ứng cử viên sáng giá nhất tính đến thời điểm này cho vị trí đại diện Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Trump đã nhiều phen khiến Nhật Bản “hốt hoảng” vì các tuyên bố mạnh miệng liên quan đến vấn đề bất bình đẳng thương mại và sự bảo vệ “miễn phí” của quân đội Mỹ dành cho đồng minh.
Theo tiết lộ của một số quan chức Nhật, Tokyo vẫn còn khá thoải mái với quan điểm của Trump về an ninh, xét tới mối quan hệ an ninh bền chặt giữa hai nước. Tuy nhiên, Nhật đang ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trump đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa lớn đối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
“Ban đầu, họ chỉ nghĩ Trump thật nực cười”, giáo sư Masatoshi Honda thuộc Đại học Kinjo phát biểu. “Nhưng gần đây, họ bắt đầu lo lắng: điều gì xảy ra nếu Trump thắng trong cuộc bầu cử?”
Cũng như chính giới ở Washington, Tokyo đã chậm chạp trong việc đánh giá nghiêm túc về Trump, nhất là khi những lời “đao to búa lớn” của Trump có vẻ như mắc kẹt ở thập niên 1980, trước khi Nhật Bản trải qua hai thập kỷ kinh tế trì trệ và dân số bắt đầu suy giảm.
“Tôi chỉ nhìn nhận nghiêm túc các tuyên bố của Trump nếu ông ấy đắc cử Tổng thống”, ông Kuni Miyake, người đứng đầu Viện Chính sách đối ngoại ở Tokyo, nhận định.
“Phản ứng thái quá của truyền thông đã tạo ra những người như Trump, đại diện cho mặt tối của nước Mỹ. Tôi tin rằng, ở các nền dân chủ phương Tây, rốt cục họ sẽ đi đến một kết quả lành mạnh”, ông Miyake nói thêm.
Tuy nhiên, Tokyo đang nhận ra rằng cho dù Trump có thua cuộc, thì những phát biểu hùng hồn của vị tỷ phú này đang ngấm dần vào nhận thức của công chúng, và các chính trị gia khác của Mỹ cũng thay đổi lập trường theo.
Nhật Bản xem sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới an ninh dài hạn của mình, xét tới sự nổi lên của Trung Quốc. Nhật cũng dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ để phòng ngừa nguy cơ một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
“Chúng tôi vẫn còn nhớ như in là thiệt hại khủng khiếp mà một người ngoại đạo khác ở Washington là Jimmy Carter từng gây ra cho phương trình an ninh của Đông Á. Nếu Carter thực sự rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên ở thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh lạnh, thì thế giới như chúng ta được biết ngày nay có thể đã không còn tồn tại”, một nhân vật ngoại giao có quan hệ với Chính phủ của Thủ tướng Abe nói.
Về TPP, Nhật lo ngại rằng những tuyên bố của Trump sẽ khiến Quốc hội Mỹ khó phê chuẩn hiệp định này, cho dù ai sẽ trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Ngoài lợi ích trực tiếp từ thương mại mở rộng, chính quyền Abe xem TPP là một trong những công cụ tốt nhất của mình để buộc nền kinh tế Nhật phải tiến hành cải cách trong những lĩnh vực như nông nghiệp.
“Chúng ta đã hơn Nhật ở tất cả mọi thứ vào khi nào? Họ bán được hàng triệu ôtô, còn chúng ta thì làm gì? Lần gần đây nhất các bạn nhìn thấy một chiếc Chevrolet ở Tokyo là khi nào? Không có chuyện đó đâu người ơi. Họ luôn thắng chúng ta”, Trump nói khi chính thức tuyên bố tranh cử Tổng thống vào năm ngoái.
Bà Hillary Clinton, người có khả năng trở thành đại diện của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới, gần đây đã tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề TPP sau khi thua trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan trước đối thủ Bernie Sanders. Clinton tuyên bố muốn thắt chặt các tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ - tiêu chuẩn nhằm xác định linh kiện ôtô phải đến từ đâu nếu chiếc xe muốn nằm trong danh sách miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.
Tokyo xem việc hạ hàng rào thuế quan đối với thị trường ôtô Mỹ là một thắng lợi chính từ TPP.
Nguy cơ gia tăng về việc TPP đổ bể ở Mỹ đã phủ bóng lên cuộc thảo luận ở Nhật Bản về việc điều chỉnh thỏa thuận này. Theo dự kiến, cuộc thảo luận sẽ bắt đầu sau khi Nhật thông qua dự thảo ngân sách vào tháng này.
“Ở Nhật cũng có sự phản đối nhằm vào TPP. Nếu Nhật thông qua thỏa thuận, và sau đó thỏa thuận bị thất bại ở Mỹ, thì đó sẽ là một thiệt hại lớn đối với chính quyền Abe”, giáo sư Honda nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate