October 25, 2022 | 16:06 GMT+7

Nhật có thể đã chi thêm 37 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng Yên

Đức Anh -

Lần gần nhất Nhật can thiệp tỷ giá là vào tháng 9 khi bơm khoảng 20 tỷ USD để mua vào đồng nội tệ...

Ảnh minh họa: Nikkei Asia
Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Theo phân tích của Nikkei Aisa, Nhật Bản có thể đã chi kỷ lục 55 nghìn tỷ Yên, tương đương 37 tỷ USD, để ngăn đà giảm giá của đồng Yên vào hôm thứ Sáu tuần trước (22/10). Ước tính này được đưa ra dựa trên số liệu ước tính về tài khoản vãng lai được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố ngày 24/10.

Một cơ sở nữa cho nhận định này là trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/10), tỷ giá Yên so với USD đã tăng từ 149,7 Yên đổi 1 USD lên mức 145 Yên đổi 1 USD. Trước đó, tỷ giá Yên so với đồng bạc xanh sụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/1990.

Lần gần nhất Nhật can thiệp tỷ giá là vào tháng 9 khi bơm 2,8 nghìn tỷ Yên, tương đương khoảng 20 tỷ USD, để mua vào đồng nội tệ.

“Nếu như có động thái can thiệp vào hôm 24/10, thì đây là điều bất ngờ”, ông Osamu Takashima của Citigroup Global Markets Nhật Bản, nhận xét. "Các nhà chức trách Nhật đang tham gia một cuộc chiến căng thẳng để kiềm chế hoạt động đầu cơ và tỷ giá 150 Yên đổi 1 USD được xem là mức sàn ở thời điểm hiện tại”.

Ngày 25/10, BOJ dự báo tài khoản vãng lai từ "quỹ kho bạc và các quỹ khác" sẽ giảm 1,18 nghìn tỷ Yên, đảo ngược mức dự báo tăng 4,3 nghìn Yên hồi đầu tháng. Theo các nhà đầu tư trên thị trường, sự đảo ngược này cho thấy đã có sự can thiệp để mua vào đồng Yên. Bất kỳ giao dịch nào như vậy sẽ được giải quyết sau 2 ngày làm việc và điều này phù hợp với động thái hôm thứ Sáu tuần trước.

Ngày 31/10 tới, Bộ Tài chính Nhật dự kiến sẽ công bố tổng số tiền đã chi cho các biện pháp can thiệp tỷ giá từ ngày 29/9 đến ngày 27/10, và số liệu hàng ngày trong ba tháng cuối năm nay sẽ được công bố vào đầu tháng 2 năm sau.

“Chúng tôi đang theo dõi thị trường suốt ngày đêm để đưa ra các phản ứng thích hợp”, ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, cho biết.

Theo các nhà phân tích, có những dấu hiệu cho thấy Tokyo đã cố gắng chọn thời điểm hiệu quả nhất để can thiệp vào thị trường. Động thái can thiệp hôm thứ Sáu dường như cùng thời điểm với bài viết trên tờ Wall Street Journal cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (USD) có thể tăng lãi suất chậm lại và đà trượt giá của đồng Yên cũng chậm lại sau thông tin này. Hồi tháng 9, các lệnh mua đã ngập tràn trên thị trường ngay thời điểm xu hướng giao dịch cho thấy điểm có khả năng phục hồi cao nhất. Đó chính là lúc nhà chức trách Nhật có động thái can thiệp tỷ giá đầu tiên kể từ năm 1998.

Các biện pháp can thiệp mua đồng Yên do BOJ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính Nhật Bản. Ngoài các giao dịch trực tiếp trên thị trường liên ngân hàng, ngân hàng trung ương đôi khi cũng bán USD thông qua các ngân hàng tư nhân. Hiện cả chính phủ và BOJ đều không công khai xác nhận việc đã có động thái can thiệp hay chưa.

Trong khi đó, phía Mỹ không có ý kiến phản đối động thái can thiệp của Nhật và cũng không quan tâm tới việc kìm đà tăng giá của đồng USD. Sau động thái can thiệp hồi tháng 9 của Nhật, một đại diện của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng: “Chúng tôi hiểu hành động nhằm giảm sự biến động mạnh của đồng Yên gần đây của Nhật Bản”. Từ đó đến nay, Washington không có bình luận nào liên quan tới vấn đề này.

Đồng bạc xanh mạnh lên là một “tác dụng phụ” của các đợt tăng lãi suất của Fed nhằm kiềm chế lạm phát - ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ đang cận kề.

“Tôi không quan tâm về sự mạnh lên của đồng USD”, ông Biden phát biểu hồi giữa tháng 10.

Theo các nhà phân tích, miễn là lãi suất của Mỹ và Nhật có sự chênh lệch, đồng Yên sẽ tiếp tục chịu áp lực trượt giá.

“Chúng tôi cho rằng mình không thể ngăn chặn đà giảm của đồng Yên qua biện pháp can thiệp”, một quan chức Bộ Tài chính Nhật chia sẻ, nhấn mạnh mục tiêu của cơ quan này chỉ là kiểm soát đà trượt giá của đồng nội tệ.

Một số nhà quan sát thị trường dự báo áp lực mất giá đồng Yên sẽ giảm bớt vào cuối năm nay khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Khi đó, giá hàng hóa cũng sẽ giảm và làm giảm tác động từ tình trạng thâm hụt thương mại của Nhật. Bên cạnh đó, sự trở lại của khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản - những người có nhu cầu mua đồng Yên - cũng có thể giúp giảm bớt áp lực lên đồng tiền này.

Tuy nhiên, cho đến lúc đó, sự can thiệp có thể không mang lại nhiều tác động nếu các nhà đầu cơ kết luận rằng Nhật không có nhiều lựa chọn để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ khi mà Mỹ không quan tâm tới sự mạnh lên của đồng USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate