Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, mới đây Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do số ca nhiễm Covid-19 đã giảm. Tuy nhiên lao động Việt Nam vẫn chưa thể nhập cảnh do chính sách hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài.
Cụ thể, sau hơn 2 tháng trong tình trạng khẩn cấp, số ca nhiễm mới của toàn Nhật Bản nói chung và các tỉnh, thành phố trong tình trạng khẩn cấp nói riêng đã giảm đáng kể, nhưng đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí tặng nhẹ trở lại ở một số địa phương, đặc biệt, tại 4 địa phương là thành phố Tokyo, tỉnh Kanagawa, tỉnh Chiba và tỉnh Saitama.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương đặc biệt này và dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ sau ngày 21/3.
Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 4 địa phương nêu trên do số ca nhiễm đã giảm xuống, tỷ lệ sử dụng giường cho các ca bệnh nặng đã xuống mức cho phép.
Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết về kế hoạch và 5 biện pháp cơ bản nhằm ngăn chặn không cho dịch bệnh lan rộng trong tình trạng mới gồm: tiếp tục đề nghị các nhà hàng, quán ăn rút ngắn thời gian kinh doanh; hạn chế số người tham gia hoạt động tập trung đông người; cho nhân viên làm từ xa.
Cùng với đó là đảm bảo có đủ vaccine và đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các cán bộ y tế và người cao tuổi, tăng cường năng lực của hệ thống y tế đảm bảo ứng phó được tình trạng dịch bệnh lan rộng trở lại; tăng cường kiểm soát tình trạng bệnh và lây nhiễm, nhất là kiểm soát các ca bệnh không triệu trứng.
Mặc dù dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc Nhật Bản, tuy nhiên ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chính thức thông báo việc tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài và vùng lãnh thổ đến Nhật Bản.
Theo đó, thực tập sinh, lao động Việt Nam chưa thể nhập cảnh vào Nhật Bản trong thời gian tới đây.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, cơ quan này vẫn đang bám sát diễn biến của các thị trường, trong đó có thị trường Nhật Bản để kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngay khi phía Nhật Bản quyết định cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào nước này, Cục sẽ có thông tin chính thức.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, trong tháng 2/2021, Việt Nam đã đưa 2.985 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các thị trường: Nhật Bản 179 lao động, Đài Loan 2.464 lao động, Trung Quốc 77 lao động nam, Singapore 34 lao động nam, Rumani 77 lao động Hàn Quốc 23 lao động nam và các thị trường khác.
Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 26.118 lao động (10.864 lao động nữ), trong đó thị trường Nhật Bản 18.134 lao động, Đài Loan 7.171 lao động, Hàn Quốc 101 lao động nam; Rumania 143 lao động, Trung Quốc 238 lao động nam, Singapore 531 lao động nam và các thị trường khác.
Trước đó, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt hơn 78.000 người.
Trong năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu đưa khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định kế hoạch dự kiến khoảng 120.000 – 150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.