Việc Donald Trump sẵn sàng đặt dấu chấm hết cho quãng thời gian hàng thập kỷ Mỹ giữ vai trò bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á đang khiến các đồng minh của Washington trong khu vực lo ngại. Nhất là khi điều này lại xảy ra giữa lúc Trung Quốc nổi lên và Triều Tiên liên tục đưa ra những lời đe dọa hạt nhân.
Trump, ứng viên tổng thống Mỹ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, đã nói với tờ New York Times rằng ông sẵn sàng rút quân Mỹ khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc nếu các nước này không tăng mạnh các khoản chi trả để giúp duy trì lực lượng của Mỹ ở đó. Mỹ hiện có khoảng 50.000 lính ở Nhật và khoảng 28.500 lính ở Hàn Quốc.
“Quan điểm thiển cận”
Theo hãng tin Bloomberg, những tuyên bố này của Trump được giới truyền thông Nhật và Hàn đăng tải rộng rãi.
“Chúng tôi chết điếng trước quan điểm thiển cận tới như vậy của một ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Với những vấn đề sống còn như thế mà người này chỉ tiếp cận từ phương diện chi phí”, nhật báo JoongAng của Hàn Quốc viết trong một bài xã luận. “Những quan điểm như vậy có thể làm gia tăng sự thiếu tin tưởng và bất mãn của thế giới đối với Mỹ”.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump đã đưa ra nhiều lời hứa về đảo ngược chính sách của Mỹ về thương mại và an ninh. Nhiều ý kiến cho rằng, những chủ trương này của Trump khó trở thành hiện thực cho dù ông đắc cử. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đề cập đến chủ trương của Trump cũng khiến nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại.
Nếu quân Mỹ rút đi, khoảng trống bị bỏ lại sẽ đặt ra những hoài nghi về tương lai của nước Mỹ ở châu Á - một khu vực thương mại và đầu tư quan trọng. Điều này cũng có thể mở rộng hơn cánh cửa cho sự quả quyết quân sự của Trung Quốc.
“Nếu không có liên minh quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ, thì như thế có nghĩa là Mỹ từ bỏ vị trí một cường quốc ở Thái Bình Dương”, giáo sư Kunihiko Miyake thuộc Đại học Ritsumeikan ở Kyoto nhận định. “Không một quốc gia nào khác ngoài Nhật có thể hỗ trợ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này của thế giới”.
Do bị hạn chế bởi hiến pháp hòa bình, Nhật Bản đã phải dựa vào sự bảo vệ của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chính phủ Nhật coi liên minh an ninh với Washington là “hòn đá tảng” cho hòa bình trong khu vực và nói liên minh này sẽ mở đường cho sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại ở châu Á.
“Họ trả nhiều là đằng khác”
Về phần mình, Hàn Quốc dựa vào sức mạnh của Mỹ để kiềm chế Triều Tiên.
Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật còn là một thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại giữ vai trò trung tâm trong chiến lược tái cân bằng về kinh tế và an ninh của Mỹ về phía châu Á dưới thời chính quyền Obama.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí về một thỏa thuận hỗ trợ kéo dài 5 năm, theo đó Nhật sẽ chi khoảng 189,9 tỷ Yên, tương đương 1,67 tỷ USD, mỗi năm để chi trả các chi phí như tiền lương cho nhân sự làm việc tại các căn cứ của Mỹ ở Nhật.
Cộng thêm những khoản như tiền thuê đất tư nhân mà Chính phủ Nhật trả cho các căn cứ của Mỹ đặt ở nước này, Bộ Quốc phòng Nhật đã dành khoản ngân sách 372,5 tỷ Yên cho việc duy trì các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Nhật trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2015.
Giới phân tích và các quan chức không đồng tình với quan điểm cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc không chi trả đủ để duy trì sự hiện diện của quân Mỹ.
“Họ trả nhiều là đằng khác. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản được xem là tiêu chuẩn vàng cho sự hỗ trợ của nước sở tại dành cho quân đội nước ngoài đóng quân”, ông Brad Glosserman, Giám đốc điều hành Pacific Forum CSIS, đánh giá.
Mới đây, đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert cho biết Chính phủ Mỹ hài lòng với sự đóng góp của nước này. Theo một thỏa thuận kéo dài tới năm 2018, Hàn Quốc trả cho Mỹ hơn 900 tỷ Won, tương đương 773 triệu USD mỗi năm, để duy trì lực lượng của Mỹ tại Hàn.
Tờ Korea Economic Daily của Hàn Quốc nghi ngờ Trump đã tiếp nhận thông tin sai, và nói thêm “Hàn Quốc sẽ gặp rắc rối nếu để Trump tiếp tục những cáo buộc về ‘sự bảo vệ miễn phí’”.
“Chính phủ Hàn Quốc đã có đóng góp và thực hiện vai trò tạo điều kiện sinh hoạt ổn định cho quân đội Mỹ và tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng Hàn-Mỹ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June Hyuck phát biểu trước báo giới ở Seoul ngày 29/3. “Chính quyền, Quốc hội và nhân dân Mỹ công nhận đầy đủ về vai trò và sự đóng góp của chúng tôi với tư cách một đồng minh”.
“Cơ hội tốt cho nước Nhật”
Phát biểu trước báo giới tại Tokyo ngày 29/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có ảnh hưởng lớn đối với nước Nhật, và “tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc bầu cử này”.
“Cho dù ai trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, thì liên minh Mỹ-Nhật vẫn sẽ là cơ sở chính sách đối ngoại của Nhật”, ông Abe nói. “Sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào trong sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới”.
Theo giáo sư Miyake, Trump “có thể không có một đội ngũ các nhà tư vấn tốt về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Ông ấy chỉ nói những điều nhằm lấy lòng cử tri. Điều này là hợp lý trong một chiến dịch tranh cử. Nhưng khi đi vào điều hành thực sự, thì cách làm như vậy sẽ không đem lại kết quả tốt”.
Phát biểu với tờ New York Times, Trump nói ông sẽ để ngỏ cánh cửa cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc tự phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Dù giới chức Nhật Bản thường từ chối bình luận trực tiếp về Trump, Chánh Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga hôm thứ Hai tuần này tái khẳng định quan điểm của Tokyo về duy trì “nguyên tắc không hạt nhân”. Là quốc gia duy nhất từng hứng chịu tấn công hạt nhân, Nhật Bản đến nay vẫn giữ nguyên tắc tự đặt ra về việc không có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
“Tôi bất ngờ trở nên ghét Trump. Những gì ông ta nói quá vô trách nhiệm. Liệu ông ta muốn chúng tôi có vũ khí hạt nhân để dọa ai”, một người dùng mạng xã hội ở Nhật phản ứng.
Tuy nhiên, cũng có những người ủng hộ Trump.
“Không một Tổng thống Mỹ nào từng đưa ra được những ý tưởng như đưa lính Mỹ ra khỏi lãnh thổ Nhật hay cho phép Nhật hoặc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân”, chính trị gia bảo thủ người Nhật Toshio Tamogami nói. “Đây là cơ hội tốt để nước Nhật trở thành một quốc gia độc lập thực sự”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate