Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là việc cải cách tiền lương với mục tiêu được đưa ra trước đó là triển khai từ ngày 1/7/2022. Với đề xuất này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi.
Do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19.
Về việc chi cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng mặc dù đề xuất của Chính phủ là cần thiết, song Chính phủ cần tính toán phương án cân đối, sớm báo cáo Quốc hội tổng thể về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương và lộ trình triển khai thực hiện.
Tính đến nay, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành một số chính sách để tạo nguồn lực ứng phó kịp thời với đại dịch, bao gồm: Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương số tiền 14.620 tỷ đồng thực hiện công tác phòng, chống dịch; Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 của Chính phủ, có khoảng 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch và dự kiến sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để phòng, chống dịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cho biết, Ủy ban đã thẩm tra việc chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Theo đó, việc chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổng kinh phí đã cấp tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay 30.850 tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch.
"Việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chi cho phòng, chống dịch cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách", ông Nguyễn Phú Cường cho biết.
Đánh giá về tình hình chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết chi thường xuyên ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, dẫn đến phải điều chỉnh, cắt, giảm dự toán như thời gian vừa qua.
Đánh giá về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng dự toán thu ngân sách nhà nước xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp.
Dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 85-86% tổng thu ngân sáchnhà nước theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn.
Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng cần ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Đánh giá về gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển, mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh.
Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh cần quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.