Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao hết một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định), còn lại 16.000 tỷ đồng (chiếm 3,4%) vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia chưa giao do chờ hoàn thiện thủ tục.
Đến hết tháng 8/2021, tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 399.331,273 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 86,2% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,4% kế hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn ngan sách nhà nước năm 2021 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 ngay từ đầu năm, đã cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và trong phạm vi kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn lại đến nay khá lớn 61.968,727 tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (nếu tính cả Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ 16.000 tỷ đồng, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 chưa phân bổ bằng 16,3% kế hoạch Quốc hội quyết định).
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ kế hoạch vốn chưa phân bổ khá cao do phải chờ được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn như: Bộ Thông tin và Truyền thông (94,8%), Bộ Nội vụ (86,6%), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (82,2%)...; các địa phương: Thái Nguyên (47,11%), Hậu Giang (38,8%), Phú Thọ (38,69%),...