Khu vực phía Tây Hà Nội theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản là nhận định được đưa ra tại hội nghị “Bất động sản vùng Thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, định hướng phát triển Hà Nội về phía Tây đã được Chính phủ, lãnh đạo thành phố quyết định từ nhiều năm nay. Điều này lại được khẳng định một lần nữa trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa qua. Phương thức tổ chức không gian đô thị và công nghiệp hiện đại đã được phản ánh trong quy hoạch này. Việc công nghiệp hoá và đô thị hoá được tiến hành nhờ các phương thức phát triển thị trường bất động sản.
Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng đã xác lập các khu vực chính. Đó là khu trung tâm hạt nhân: khu nội đô từ hữu ngạn sông Hồng đến đường vành đai 2 với dân số khoảng 1,2 triệu người song định hướng đến năm 2030 giảm xuống còn 0,8 triệu người, là khu vực hạn chế phát triển và hạn chế chiều cao, tập trung cải thiện hệ thống hạ tầng.
Khu nội đô mở rộng được xác định từ vành đai 2 đến vành đai xanh sông Nhuệ. Dự kiến đến năm 2030 có dân số khoảng 0,9 triệu người. Phần mở rộng của đô thị trung tâm hạt nhân gồm chuỗi đô thị phía đông vành đai 4–khu vực phía Nam sông Hồng với dân số năm 2030 khoảng 1,25 triệu người. Khu vực này sẽ khuyến khích xây dựng cao tầng để thu hút dân số dịch chuyển từ nội đô.
Chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng gồm: Mê Linh với dân số khoảng 0,45 triệu người là khu đô thị dịch vụ, công nghiệp tập trung và nông nghiệp chất lượng cao; Đông Anh với dân số 0,55 triệu người là đô thị dịch vụ, du lịch và công nghệ cao; khu vực Long Biên–Gia Lâm, dân số khoảng 0,7 triệu người là khu đô thị dịch vụ, công nghiệp.
5 khu đô thị vệ tinh gồm: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên–Phú Minh và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có một hoặc nhiều chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ... tạo ra nhiều công ăn, việc làm.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội nhận định: với mô hình trên, khu vực phía Tây Hà Nội theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản. Nơi đây là khu vực có quỹ đất để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng theo hình thức BT, BOT... cũng như để di dời các công trình công nghiệp, bệnh viện, trường học không còn phù hợp ra khỏi khu vực nội thành.
Thời gian tới, khi quy hoạch chung được phê duyệt, khu vực phía Tây sẽ tiếp tục triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị, lập quy hoạch phân khu cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới với tỷ lệ 1/5000 hoặc 1/2000 và lập quy hoạch chi tiết cho các khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng với tỷ lệ1/500, đồng thời xây dựng các quy định và quy chế quản lý đô thị. Khu vực này được UBND thành phố chỉ đạo ưu tiên tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phân khu để có thể triển khai, rà soát, khớp nối các dự án và thực hiện dự án đầu tư ngay sau khi quy hoạch chung Thủ đô được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề được đặt ra là đã có một quy hoạch hợp lý song lấy vốn từ đâu để thực hiện quy hoạch đó? Bởi ước tính cần tới 70 tỷ USD để thực hiện quy hoạch Hà Nội mở rộng. Trong hoàn cảnh hiện nay thì các nguồn từ ODA cho đến FDI đều khó có thể huy động cho công việc này, ngân sách nhà nước cũng không dư dả.
Như vậy, năng lực thực hiện quy hoạch đó chỉ có thể nhìn vào nguồn lực từ đất. Điều này đồng nghĩa với việc cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư bất động sản tham gia thực hiện quy hoạch cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate