Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2022 đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty.
Kết quả kiểm toán cho thấy 19/20 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh có lãi. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.
SAI SÓT TRONG HẠCH TOÁN KẾT TOÁN, KÊ KHAI NGHĨA VỤ VỚI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Theo Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nên qua kiểm toán điều chỉnh tài sản, nguồn vốn ; doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.
Quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn. Một số đơn vị có nợ phải thu quá hạn lớn như Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) 268,76 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn 164,04 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam 111,10 tỷ đồng; Công ty mẹ - Vinafor 86,78 tỷ đồng...
Những đơn vị có nợ phải thu khó đòi lớn được Kiểm toán Nhà nước điểm tên như Văn phòng Công ty mẹ Vinafood1 2.537,98 tỷ đồng; Satra (công ty mẹ) 430,71 tỷ đồng; Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) 279,15 tỷ đồng; Vicem Bỉm Sơn 95,43 tỷ đồng, Vicem Tam Điệp 14,97 tỷ đồng, Vicem Hoàng Thạch 14,63 tỷ đồng, Vicem Sông Thao 12,91 tỷ đồng, Vicem Hoàng Mai 9,29 tỷ đồng, Vicem Hải Vân 7,55 tỷ đồng, Vicem Hạ Long 5,49 tỷ đồng, Vicem Bút Sơn 2,58 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 2,36 tỷ đồng.
Đáng nói, một số đơn vị phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi lớn như VNPT 509,12 tỷ đồng; EVN 367,86 tỷ đồng.
Thông qua kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty có vốn Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi; bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định.
Còn tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển; chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; chưa kiểm kê đầy đủ vật tư, hàng hóa; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Nhiều đơn vụ trích thừa dự phòng giảm giá tồn kho như EVN 9,28 tỷ đồng; Vicem Hải Phòng 6,86 tỷ đồng; Công ty Chế biến than Quảng Ninh -TKV 3,14 tỷ đồng; Vinataba 2,91 tỷ đồng;
Các đơn vị trích thừa khấu hao tài sản cố định lớn như EVN 388,96 tỷ đồng; VNPost 15,03 tỷ đồng; TKV 10,14 tỷ đồng; Vicem 10,01 tỷ đồng; Sonadezi 10,28 tỷ đồng; VNPT 9,37 tỷ đồng; Satra 2,43 tỷ đồng; Vinafood1 là 1,0 tỷ đồng..
Có tình trạng các doanh nghiệp nhà nước sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả; một số công trình hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán; một số dự án dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ, dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn.
NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ KHÔNG HIỆU QUẢ HOẶC HIỆU QUẢ THẤP
Một số đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao như Vicem Tam Điệp 8,24 lần; Công ty Cổ phần Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty Cổ phần Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực - TP Hà Nội 3,91 lần.
Một số doanh nghiệp được kiểm toán có dấu hiệu mất an toàn về tài chính như Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao; Công ty Cổ phần Lương thực Hà Bắc, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định, Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Lương thực Bình Trị Thiên, Công ty Cổ phần Lương thực Lương Yên, Công ty Liên doanh sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo.
Có đơn vị bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt như Công ty Cổ Tư vấn Xây dựng điện theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Một số đơn vị có công ty con không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thua lỗ. Chẳng hạn, Công ty mẹ - VIMC: 10 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 1.677,01 tỷ đồng; Công ty mẹ - Vinafood1: 9/24 công ty con lỗ lũy kế 381,86 tỷ đồng; Công ty mẹ - Vicem: 05/17 công ty con lỗ lũy kế 4.958 tỷ đồng; Công ty mẹ - TKV: 3 công ty con lỗ lũy kế 386,84 tỷ đồng (trong đó 02 công ty con năm 2021 không hoạt động) và 01 công ty thành lập để thực hiện dự án đầu tư nhưng đang tạm dừng đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ hoặc có khả năng mất vốn .
Như trường hợp Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi: 4/22 công ty lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 111,61 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai: 1 khoản đầu tư lỗ lũy kế 51,40 tỷ đồng;
Vinataba: 2 khoản đầu tư lỗ lũy kế 158,67 tỷ đồng; VIMC 9 công ty và 2 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 15.345,27 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn: 2 công ty lỗ lũy kế 5.494,16 tỷ đồng trong đó 1 công ty âm vốn chủ sở hữu 2.222,43 tỷ đồng
Công ty mẹ - Vicem: 3/14 công ty và khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 1.038,16 tỷ đồng.
Công ty mẹ - VNPT: 8/35 công ty và khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 870,5 tỷ đồng, 5/35 công ty/khoản đầu tư không có thông tin do đang trong quá trình giải thể (Công ty CP Xây lắp Bưu điện Hải Phòng) hoặc đóng quỹ (Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2) hoặc chưa gửi báo cáo tài chính về Công ty mẹ (Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, Công ty ATH - Malaysia, Công ty ACASIA - Malaysia).
Tổng công ty Bến Thành - TNHH MTV: 14/32 công ty lỗ lũy kế 764,20 tỷ đồng.