January 23, 2024 | 18:54 GMT+7

Nhiều dự án bất động sản dở dang cần được hoàn thiện

Ban Mai -

Để tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thành các dự án đang dở dang, phát triển các nhà ở phân khúc giá rẻ, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Đây là kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, khi có nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết hoạt động của doanh nghiệp bất động sản vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ... cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho các dự án bất động sản.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” do Báo Xây dựng tổ chức mới đây.

Để khắc phục những bất cập của thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

“Đặc biệt, cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản. Đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng, đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ; cần giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền”, ông Sinh nhấn mạnh.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2024, theo phân tích của ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, sẽ có 2 điểm sáng.

Thứ nhất, bất động sản công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI còn rất nhiều, giá thuê bất động sản công nghiệp đang tăng cao.

Thứ hai, sản phẩm nhà ở giá vừa phải, nhà ở xã hội năm 2024 tiếp tục có nhiều dự án khởi công vì đã có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư. Chính phủ cũng đã giao 130.000 căn hộ nhà ở xã hội sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Cùng quan điểm, ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, cũng dự báo bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, bất động sản đô thị có thể phục hồi nhưng riêng bất động sản nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới “ấm” lại.

Cho rằng năm 2024 thị trường đang phục hồi nhưng không mạnh, ông Mai Viết Vĩnh, Chủ tịch Mai Việt Land nhận định hiện tại, nguồn lực tài chính bắt đầu rót vào thị trường bất động sản, đầu tư cơ sở hạ tầng được Chính phủ chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của người mua vào thị trường trong thời gian qua đã quá thấp nên thị trường chưa thể ổn định trong thời gian ngắn. Các chủ đầu tư nên cơ cấu lại các nguồn vốn, chất lượng sản phẩm… tạo ra niềm tin lớn hơn nữa cho khách hàng đặc biệt là mặt pháp lý của các dự án.

 

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 50% dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do khó xác định phương pháp định giá đất theo giá thị trường. Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả các phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate