Cáo buộc thể hiện, thông qua 3 ngân hàng trong nước, bị cáo Nguyễn Ngọc Phương (SN 1979, giám đốc Công ty cổ phần Vàng P.) có hành vi vận chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 214,1 triệu USD (tương đương hơn 4.719 tỷ đồng).
Ngoài ra, Phương còn bị cáo buộc có hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam 212 triệu USD (khoảng hơn 4.773 tỷ đồng). Tổng số tiền các bị cáo vận chuyển trái phép là 425 triệu USD, tương đương gần 9.500 tỷ đồng. Các bị cáo dùng thủ đoạn như lập khống hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân, thanh toán quốc tế, làm giả hồ sơ hải quan...
Lời khai tại tòa, bị cáo Phương thừa nhận con số về các khoản tiền chuyển qua lại và tổng số tiền 425 triệu USD bị quy buộc, thừa nhận các hoạt động do mình điều hành chung.
Bị cáo khai nhận lập nhiều công ty để vay vốn đầu tư dự án như dự án trang trại bò, hạt mắc ca... nhưng vướng nhiều vấn đề, dự án không đủ điều kiện được vay. Bị cáo nghĩ ra cách làm hợp đồng nhập khẩu hàng hóa qua lại giữa các công ty để được ngân hàng phê duyệt, giải ngân.
Bị cáo Phương cũng thừa nhận các bị cáo được nhờ đứng tên Tổng Giám đốc, đại diện pháp nhân các doanh nghiệp làm ăn nghìn tỷ trên giấy tờ đều "không có chuyên môn kinh doanh". Những người này cũng khai nhận "đặt niềm tin tuyệt đối" vào Phương và các hợp đồng, dự án của doanh nghiệp này.
Trong số các giám đốc bù nhìn có bị cáo Hà Văn Khiến, SN 1991, cháu họ của Phương, vốn là nhân viên tại cửa hàng vàng từ năm 2014. Ngoài việc bán vàng, Khiến được Phương giao chức danh Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc và kế toán của 3 công ty.
Hà Văn Khiến bị cáo buộc ký tên trên các hợp đồng tín dụng, hợp đồng kinh tế, lệnh chuyển tiền, hợp đồng mua bán ngoại tệ, bản cam kết cung cấp hồ sơ nhập khẩu cho ngân hàng, giúp sức cho Phương chuyển hơn 13 triệu USD ra nước ngoài, tương đương hơn 295 tỷ đồng.
Tại tòa, Khiến khai "ký hộ thôi, chả biết là giấy gì, tiện tay thì ký". Khi bị bắt và được phân tích, bị cáo mới biết là sai.
Còn bị cáo Phạm Văn Thắng (SN 1972) quen Phương khoảng năm 2012, được giao đứng tên Giám đốc. Khi cần ký hồ sơ, tài liệu để vay vốn, thanh toán quốc tế, chỉ cần Phương gọi điện thoại, ông Thắng sẽ đến ký. Hành vi của ông Thắng đã giúp Phương hợp thức hồ sơ, chuyển hơn 28 triệu USD (650 tỷ đồng) ra nước ngoài. Giống như bị cáo Khiến, ông Thắng cũng khai rất tin Phương và công ty nên nhờ gì cũng ký, không biết giấy tờ đó là gì. Tại tòa, ông đã biết các giấy tờ này là gì và không thắc mắc về cáo trạng.
Trong vụ án còn có hai anh em ruột Trần Tuấn Vinh, (SN 1980, bạn học của Phương) và Trần Vinh Quang, SN 1989, cùng được nhờ làm "sếp bù nhìn", giúp Phương ký loạt giấy tờ hợp thức hóa. Qua đó, họ giúp ông chủ Phú Cường chuyển hơn 60 triệu USD sang Hong Kong. Bị cáo Vinh thừa nhận "đặt niềm tin tuyệt đối" vào người bạn học, do thấy bạn làm dự án với bộ, ngành, nên đánh giá cao, không bao giờ biết đến sự gian dối đằng sau đó của Phương.
Còn bị cáo Quang thừa nhận khi được anh trai giới thiệu về làm cùng Phương, ban đầu rất tin công ty có hoạt động kinh doanh, nhưng dần dần đã nhận ra sự gian dối vì làm hơn một năm nhưng chưa bao giờ thấy công ty gặp gỡ đối tác kinh doanh nào.
Bị cáo Đoàn Anh Tuấn (SN 1988) được Phương giao phụ trách kế toán 5 công ty, trực tiếp quản lý dấu tên, dấu các công ty trong nước và 3 công ty ở Hong Kong, đã thừa nhận "không có chuyên môn kế toán". Tuấn bị cáo buộc ký hộ để Phương chuyển tiền 86 lần, tổng 131 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng).
Các tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán này đều khẳng định không được Phương chia chác, cũng không được hứa hẹn gì từ khoản tiền chuyển qua lại giữa Việt Nam và Hong Kong. Ai làm nhân viên thì được hưởng đúng lương nhân viên.
Trong phần luận tội, Viện kiểm sát khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi lập khống hồ sơ vay vốn gây thiệt hại đặc biệt lớn. Các hành vi làm giả tài liệu, lập khống hợp đồng chuyển tiền đã xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước…
Quá trình điều tra, các bị cáo thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực, một số tự nguyện khắc phục. Theo Viện kiểm sát, các bị cáo là nhân viên dưới quyền, cả nể, làm công ăn lương, không nghĩ đến hậu quả phải chịu, làm theo chỉ đạo của Phương.
Đánh giá vai trò, thái độ khai báo, nhận thức của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Phương từ 14-16 năm tù về 2 tội trên. Các bị cáo còn lại từ 2 – 8 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Phương, luật sư Nguyễn Hồng Bách đề nghị tòa án đánh giá hành vi vận chuyển tiền tệ trong vụ án này có điểm khác so với các vụ án khác.
Trong các vụ án khác, tiền chuyển ra nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Đơn cử như vụ án Vạn Thịnh Phát tiền chảy đi không về Việt Nam nữa.
Tương tự, một luật sư khác cũng cho biết trong vụ án này không có sự "chảy máu kinh tế" song phương thức của bị cáo Phương là sai. Bị cáo chỉ muốn có vốn duy trì hoạt động các dự án trong nước. Quá trình điều tra, bị cáo có sự chuyển biến nhận thức và hợp tác điều tra.