Những chia sẻ này được ông André Gama, Chuyên gia phụ trách Chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị tại hội thảo Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau, tổ chức ngày 29/6.
CÒN KHOẢNG TRỐNG LỚN TRONG CHÍNH SÁCH HƯU TRÍ
Đề cập đến vấn đề an ninh thu nhập cho người cao tuổi, ông André Gama đánh giá, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, dự báo những con số này sẽ tăng trong các thập kỷ tiếp theo và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trên 65 tuổi của Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 8 triệu người, chiếm 8,3%, dự kiến đến năm 2036 số người trên 65 tuổi sẽ đạt 15,5 triệu người, chiếm 14,1%.
Tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng tăng, song điều đáng lưu ý là vẫn còn những khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi. “Nếu không có những cam kết chính sách mạnh mẽ để cải cách hệ thống an sinh xã hội, nâng cao diện bao phủ thì trong lương lai sẽ có một tỷ lệ lớn những người cao tuổi không được hưởng bất cứ một chế độ hưu trí nào. Gánh nặng đặt lên con cái họ sẽ ngày càng lớn hơn nữa”, ông André Gama nhận định.
Theo chuyên gia ILO, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã đặt ra một số mục tiêu về tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, cũng như mở rộng đối tượng những người được hưởng hưu trí. Tuy nhiên, để làm được điều này cần hỗ trợ nhiều hơn và tăng đầu tư cho an sinh xã hội. Việc hỗ trợ cũng cần đảm bảo ở mức thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Thực tế, hiện nay mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo. Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP. “Đây là mức rất thấp so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Mức này chưa đảm bảo những người hưởng có thể thoát nghèo, trong khi mức hưởng phải ít nhất giúp họ trang trải một phần chi tiêu”, ông André Gama phân tích.
Trong bối cảnh đó, ông cũng cho rằng, phân bổ ngân sách cho trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi tại Việt Nam cần lưu ý đến mức trợ cấp của các quốc gia khác trong khu vực có mức phát triển tương đồng để điều chỉnh cho phù hợp.
Một khoảng trống nữa cũng được vị chuyên gia đề cập đó là về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, những người 80 tuổi trở lên hiện nay đang được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hoặc hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội, song ở độ tuổi 60 – 79 tuổi thì chỉ có người thuộc diện nghèo mới được hưởng, những người “không nghèo” trong độ tuổi này và không có lương hưu, bảo hiểm xã hội thì không được tiếp cận bất cứ chế độ hưu trí nào. “Đây là một khoảng trống lớn cần phải thu hẹp”, ông André Gama khẳng định.
GIẢM NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM ĐỂ HƯỞNG CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ
Để đảm bảo an ninh thu nhập cho người cao tuổi, chuyên gia ILO cho rằng cần mở rộng cả hai khía cạnh, đó là triển khai hưu trí xã hội phổ cập cho toàn dân ở độ tuổi thấp hơn (hiện nay là 80 tuổi), tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Cần tập trung vào các ưu tiên chính sách để đảm bảo chế độ hưu trí, mức sống thỏa đáng cho người cao tuổi.
Trong đó, lưu ý 4 khía cạnh gồm: Đảm bảo chính sách thu nhập cho người cao tuổi; chính sách giảm phân biệt về độ tuổi; ứng phó hiệu quả với già hóa dân số; có chính sách y tế và chăm sóc dài hạn.
Về đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, theo ông André Gama, cần có sự kết hợp hiệu quả giữa lương hưu bảo hiểm xã hội, tức là khía cạnh có đóng góp và trợ cấp hưu trí xã hội (không đóng góp). Trước hết cần thu hút nhiều nhóm đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, việc này cần tiến hành từng bước, đồng thời, cần quy định nhiều hình thức hợp đồng lao động có thể được tham gia bảo hiểm xã hội hơn, nhất là khi thị trường lao động có những hình thức việc làm mới.
Ngoài ra, cũng cần giảm điều kiện hưởng như giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội nhằm tạo điều kiện cho nhiều người được hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội hơn.
“Trong ngắn hạn, cần làm cho bảo hiểm xã hội hấp dẫn hơn như bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em cho các hộ gia đình, để lao động trẻ chưa được hưởng hưu trí có thể nhận thức được lợi ích của chế độ hưu trí mà họ được hưởng ngay, hoặc hỗ trợ tài chính như hỗ trợ tiền đóng cho những người không có khả năng đóng đầy đủ”, chuyên gia ILO gợi mở.
Về trợ cấp xã hội (không đóng góp), ông André Gama cho rằng, cần mở rộng diện bao phủ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội bằng việc giảm độ tuổi hưởng, điều chỉnh mức hưởng. Một số địa phương tùy vào khả năng tài chính có thể cung cấp cho người dân một mức hưởng trợ cấp hưu trí cao hơn so với quy định chung.
Về độ tuổi hưởng chế độ hưu trí, chuyên gia ILO nhìn nhận, hiện nay vẫn có sự phân biệt. “Khi tôi đến làm việc tại các khu công nghiệp, các nữ công nhân nói đến một độ tuổi nhất định các doanh nghiệp không tuyển dụng họ nữa và nghĩ rằng trên 35 tuổi là quá già. Trong thị trường lao động hiện nay có lẽ vẫn còn dung thứ cho những cách ứng xử này của doanh nghiệp, nhưng khi dân số già hóa, người lao động lớn tuổi ngày càng nhiều, cần làm sao để khai thác được cả năng suất lao động của họ, đảm bảo sự cạnh tranh về năng suất lao động cho Việt Nam. Đây là một phần của giải pháp chứ không phải một phần của vấn đề nữa”, ông André Gama lưu ý.
Trong bối cảnh đó, cần có những quy định trong luật để phòng chống sự phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác này. Ngoài ra, cần có môi trường làm việc thân thiện cho người cao tuổi, ở đó họ được hỗ trợ nhiều hơn thông qua nhiều công cụ tại nơi làm việc; cân nhắc nhiều phương án để những người lao động lớn tuổi cùng đóng góp vào tăng năng suất cho xã hội.
“Cần nghĩ điều này ngay từ bây giờ nếu không tương lai số người cao tuổi ngày càng cao mà chúng ta chưa có biện pháp để khai thác năng suất của họ thì cả nước cùng bị giảm năng suất”, ông André Gama nhìn nhận.
Theo chuyên gia ILO, gia tăng cơ hội cho người cao tuổi không chỉ đảm bảo mức hưởng chế độ hưu trí mà còn cần tạo ra các cơ hội kinh tế thỏa đáng cho họ. “Nếu có chuyển đổi về việc làm trong những giai đoạn sau của người cao tuổi cần đảm bảo việc làm đó là thỏa đáng, thậm chí có tính đến tái đào tạo và đào tạo lại, tạo điều kiện để người cao tuổi đóng góp theo một cách khác”, chuyên gia ILO khuyến nghị thêm.