April 15, 2024 | 14:35 GMT+7

Nhiều lao động được tăng lương tối thiểu cao hơn mức chung từ ngày 1/7

Phúc Minh -

Cùng với đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7 năm nay, và điều chỉnh lại một số địa bàn áp dụng, người lao động ở những nơi được phân vùng lại sẽ có mức tăng cao hơn so với mặt bằng chung...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nếu được thông qua, nhiều người lao động ở một số vùng sẽ được tăng lương cao hơn so với mức chung.

Theo dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng.

Khi mức lương tối thiểu vùng tăng theo đề xuất tại dự thảo nêu trên, thì kéo theo mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động cũng tăng theo. Trường hợp người lao động đang có lương cao hơn lương tối thiểu vùng, thì mức lương sẽ dựa vào sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thấp nhất ở vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng, mức cao nhất là 4,68 triệu đồng/tháng tại vùng I.

Với đề xuất lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 1/7 tới, mức lương tối thiểu mới sẽ dao động từ 3,45 – 4,96 triệu đồng/tháng tùy vùng.

Mức lương tối thiểu vùng hiện hành và dự kiến sau khi điều chỉnh từ ngày 1/7. 
Mức lương tối thiểu vùng hiện hành và dự kiến sau khi điều chỉnh từ ngày 1/7. 

Đặc biệt, với việc nhiều địa bàn được điều chỉnh đang ở mức hưởng lương tối thiểu vùng thấp hơn lên mức hưởng lương tối thiểu vùng cao hơn, thì người lao động ở các vùng địa bàn đang hưởng lương tối thiểu theo vùng thấp hơn này, sẽ được nâng mức lương tối thiểu theo mức tăng của lương tối thiểu ở vùng cao hơn đó.

Cụ thể, chuyển từ vùng II có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,41 triệu đồng/tháng, lên vùng I có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,96 triệu đồng/tháng với các địa phương: Thị xã Quảng Yên, Thị xã Đông Triều, Thành phố Uông Bí, Thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Chuyển từ vùng III có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,86 triệu đồng/tháng, lên vùng II có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4.41 triệu đồng/tháng với các địa phương gồm: Thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình); Thành phố Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn, Thị xã Nghi Sơn, Thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); Thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).

Chuyển từ vùng IV có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,45 triệu đồng/tháng, lên vùng III có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,86 triệu đồng/tháng với các địa phương gồm: Huyện Triệu Sơn, huyện Thọ Xuân, huyện Yên Định, huyện Vĩnh Lộc, huyện Thiệu Hóa, huyện Hà Trung, huyện Hậu Lộc, huyện Nga Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa); huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận).

Như vậy, khi lương tối thiểu tăng từ ngày 1/7 tới, người lao động thuộc các địa bàn nêu trên dự kiến có mức tăng cao hơn cả so với mặt bằng chung.

Trong đó, khu vực được điều chỉnh lương áp dụng từ vùng II lên vùng I, người lao động được tăng 800.000 đồng/tháng; từ vùng III lên vùng II được tăng 770.000 đồng/tháng; từ vùng IV lên vùng III được tăng 610.000 đồng/tháng.

Công nhân may mặc làm việc tại nhà máy. Ảnh: Nhật Dương.
Công nhân may mặc làm việc tại nhà máy. Ảnh: Nhật Dương.

Mới đây, khi góp ý vào dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Nội vụ cũng thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thời điểm tăng lương tối thiểu năm 2024 vào ngày 1/7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước.

Bộ này cũng đề nghị cơ quan quản lý lao động rà soát việc điều chỉnh lương tối thiểu bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo đó, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng đến nay, có một số vấn đề đặt ra cần phải xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.

Sau 2 năm điều chỉnh, hiện giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4% - 4,5% thì mức lương tối thiểu hiện hành không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào nửa cuối năm 2024.

Cùng với tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, từ ngày 1/7 tới lương khu vực công cũng được điều chỉnh tăng theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27.

Từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương của người lao động khu vực này tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Như vậy, sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP, và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng, hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate