Thời gian gần đây, không ít nhà cung cấp đã chính thức đề nghị tăng giá sản phẩm đối với các đơn vị phân phối.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: theo thông tin từ một số siêu thị ở phía Nam, cuối tháng 8 này sẽ có khoảng 300 mặt hàng tiêu dùng tăng giá, với mức tăng trong khoảng 3- 12%.
Các mặt hàng tăng giá tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với gần 100 loại, mức tăng bình quân 5%; dầu ăn tăng 3%; hóa mỹ phẩm tăng 5- 8%; đồ gia dụng tăng 4- 5%, hàng may mặc tăng giá khoảng 5- 12%.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết, tính đến thời điểm này, Co.opMart đã nhận được khá nhiều thông tin về việc tăng giá từ các nhà cung cấp. Song hàng hóa có đề nghị tăng giá tập trung chủ yếu vào sản phẩm may mặc và đồ gia dụng. Còn hầu hết các mặt hàng thực phẩm vẫn giữ nguyên giá bán như trước đó.
Lý do chủ yếu được các nhà cung cấp đưa ra là mới đây giá bán lẻ của mặt hàng xăng dầu đã tăng thêm khoảng 400 đồng/lít, cộng thêm các biến động về tỷ giá và giá của một số nguyên liệu đầu vào đã tăng khá mạnh.
Mặc dù vậy, “trước khi đi đến sự thống nhất về giá cả, nhà cung cấp và bên phân phối sẽ phải ngồi lại với nhau để đảm bảo mức tăng là hợp lý và không tác động nhiều đến người tiêu dùng”, bà Mai Trang, cán bộ truyền thông Co.opMart cho biết.
Cũng theo bà Trang, ngay cả khi giá mới được chấp nhận thì với lượng dự trữ hàng hóa rất lớn trong các kho, thông thường tại hệ thống siêu thị Co.opMart phải sau 30-40 ngày hàng hóa mới tăng giá bán.
Trong khi đó, tại Hà Nội, hiện các siêu thị vẫn chưa có “than phiền” gì về việc các nhà cung cấp đề nghị tăng giá bán.
Đại diện siêu thị Big C khẳng định từ nay đến hết tháng 8/2010, giá bán của các mặt hàng tại siêu thị này vẫn tiếp tục giữ như hiện nay. Thêm nữa, với mục tiêu bình ổn giá, Big C sẽ cố gắng đàm phán với các nhà cung cấp để có mức giá hợp lý nhất đối với người tiêu dùng.
Ông Trần Thời Đại, cán bộ phụ trách phòng kinh doanh thực phẩm của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết: Hapro là một trong các đơn vị đã ký hợp đồng thực hiện bình ổn giá đối với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Do vậy, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, Hapro đều đã ký kết hợp đồng có số lượng lớn với các nhà cung cấp.
Còn đối với các mặt hàng khác hiện siêu thị này cũng chưa hề nhận được đề nghị tăng giá của các nhà sản xuất. Như vậy, hết tháng 8 này, giá bán của các mặt hàng tại siêu thị sẽ không thay đổi.
Nhưng, tại hệ thống siêu thị Fivimart, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc lại cho hay, cách đây khoảng một tuần Fivimart đã nhận được báo giá mới của một số nhà cung cấp đối với các mặt hàng như dầu ăn, bánh kẹo nhập khẩu, mứt hộp, thịt cá sấu.
Theo đó, chỉ trong tuần này tại Fivimart, dầu ăn sẽ có mức tăng từ 2-6%, mức tăng của mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu là 15-17%, và 5% là mức tăng được áp dụng cho sản phẩm mứt hộp.
Dự báo về tình hình giá cả của các mặt hàng những tháng cuối năm, bà Hậu cho rằng, giá của một số mặt hàng sẽ có thể tăng, nhưng mức tăng chỉ rất nhẹ chứ không có những đột biến xảy ra như trong năm 2008.
Ông Đại cũng nhìn nhận, “nếu có tăng giá vào các tháng cuối năm thì các mặt hàng cũng chỉ nhích nhẹ”.
Còn theo vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị, thông thường từ cuối tháng 8 nhiều hàng hóa sẽ rục rịch tăng giá. Khi giá bán hàng hóa ở các tỉnh miền Nam tăng, thị trường ngoài Bắc chắc chắn cũng sẽ tăng nhưng thời điểm tăng có thể chậm hơn, vì các nhà cung cấp còn nghe ngóng để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Về giải pháp ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa”, ông Phú cho là, hiện nay nhà nước chỉ mới quản lý giá của hơn chục mặt hàng. Do vậy, để hạn chế tình trạng trên vẫn phải giải quyết tốt bài toán cung cầu; xây dựng được hệ thống hạ tầng thương mại để người sản xuất dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate