November 22, 2023 | 10:00 GMT+7

Nhiều lý do khiến giá vé máy bay thế giới chưa thể “hạ nhiệt”

Tường Bách -

Sự xuất hiện của những hãng bay "siêu sang" như BeOnd tại Dubai Airshow, triển lãm hàng không thường niên đang diễn ra ở UAE, là tín hiệu tiếp theo cho thấy ngành hàng không vẫn đang đi đúng hướng trong việc phục hồi sau đại dịch…

Dubai Airshow diễn ra tại UAE từ ngày 13/11 - 17/11. Ảnh: Dubai Airshow
Dubai Airshow diễn ra tại UAE từ ngày 13/11 - 17/11. Ảnh: Dubai Airshow

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), lưu lượng vận tải hành khách hiện đã về mức 97% so với trước đại dịch và những hãng hàng không lớn, như Emirates của chủ nhà Dubai, đã ghi nhận lợi nhuận cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Dù đang phục hồi tích cực, các hãng hàng không lớn vẫn cảnh báo về những rủi ro mà thị trường có thể phải đối mặt, như tình hình xung đột ở Trung Đông gây ảnh hưởng tới nhu cầu, cũng như bài toán chuyển đổi xanh, giảm mức phát thải carbon trong dài hạn của lĩnh vực này.

Theo Bloomberg, Trung Đông từ lâu đã là "ngã tư" toàn cầu về du lịch hàng không. Mỗi ngày, có tới hàng trăm máy bay di chuyển qua khu vực này để tới Mỹ, châu Âu và châu Á. Do đó, khi xung đột bùng lên trong khu vực này và nhiều điểm nóng khác, việc vận hành các đường bay đi qua đây ngày càng khó khăn. Các hãng hàng không phải điều chỉnh nhiều để bảo đảm an toàn.

Không liên quan tới Trung Đông, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine những năm gần đây cũng khiến nhiều đường bay toàn cầu phải kéo dài khi hai nước này đóng cửa không phận rộng lớn với nhiều nhà khai thác xuyên quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là việc dừng tuyến đường Great Circle (tuyến đường ngắn nhất) xuyên qua Siberia, một cửa ngõ phổ biến giữa châu Âu và châu Á.

Hãng hàng không Emirates của Dubai hiện đã ghi nhận lợi nhuận cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Hãng hàng không Emirates của Dubai hiện đã ghi nhận lợi nhuận cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Theo công ty ForwardKeys chuyên về theo dõi dữ liệu du lịch, số lượng đặt vé máy bay trên toàn cầu sau 3 tuần nổ ra cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào Israel ngày 7/10, thấp hơn 20% so với mức của năm 2019. Số liệu đặt vé máy bay trước cuộc xung đột Israel - Hamas cho thấy nhu cầu hàng không toàn cầu trong quý cuối cùng của năm nay sẽ phục hồi 95% so với năm 2019. Tuy nhiên, khi chưa kịp phục hồi thì chiến sự nổ ra. Dựa trên số liệu từ đầu năm 2013 tính đến cuối tháng 10/2023, nhu cầu hàng không đã giảm xuống 88%.

Theo công ty phân tích hàng không Cirium, nếu việc đóng cửa không phận lan rộng ở Trung Đông, khoảng 300 chuyến bay hàng ngày giữa châu Âu và các điểm đến ở Nam Á, Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Khi đó, các hãng hàng không phải tính đến những lựa chọn thay thế khác dù đắt đỏ hơn và có nhiều rủi ro. Theo ông John Strickland, một nhà tư vấn ngành hàng không: "Các hãng hàng không cần theo dõi chặt chẽ những xu hướng hiện tại. Hiện toàn ngành đang chuyển từ một mùa hè cực kỳ sôi động sang một mùa đông rất khó dự đoán".

Vào tháng 2/2023, dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium cho thấy rằng giá vé trung bình cho hàng trăm tuyến đường bay phổ biến nhất thế giới đã tăng 27,4% so với đầu năm 2022. Ví dụ, giá vé khứ hồi trung bình từ Mỹ đến châu Âu gần 1.200 đô la vào mùa hè này, mức giá cao nhất trong sáu năm qua, trong khi giá vé đi châu Á lên tới gần 1.600 đô la. Ngay cả khi đã hạ nhiệt vào thời điểm hiện tại, giá vé vẫn đang ở mức cao so với tiêu chuẩn lịch sử.

Xung đột ở Trung Đông đã khiến toàn ngành chuyển từ một mùa hè cực kỳ sôi động sang một mùa đông rất khó dự đoán.
Xung đột ở Trung Đông đã khiến toàn ngành chuyển từ một mùa hè cực kỳ sôi động sang một mùa đông rất khó dự đoán.

Theo các hãng hàng không, nhìn chung có hai lý do chính đằng sau sự tăng giá mạnh mẽ của các chuyến bay. Đầu tiên, nhu cầu “du lịch phục thù” trong nửa đầu năm 2023 đã khiến nhu cầu vượt xa nguồn cung. Trong khi đó, các hãng bay cho biết việc thiếu năng lực vận tải đã buộc họ phải tăng giá vé. Những khó khăn của chuỗi cung ứng trong lĩnh vực này đã dẫn đến sự chậm trễ của Airbus và Boeing, những nhà sản xuất đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hãng hàng không về máy bay và phụ tùng mới.

Trên hết, các nhà sản xuất máy bay đang bị tụt lại phía sau, với tình trạng thiếu lao động tại các nhà thầu phụ khiến sản xuất bị đình trệ. Các lệnh trừng phạt liên quan đến Nga cũng khiến Airbus, Boeing và các nhà cung cấp của họ gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguyên liệu thô như titan, đẩy giá các bộ phận lên cao.

Giám đốc điều hành Ryanair Michael O’Leary cho biết trong tuần trước rằng, sự chậm trễ của hai nhà sản xuất máy bay lớn là nguyên nhân chính khiến giá vé tăng cao hơn. Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông dự báo một số hãng hàng không sẽ buộc phải cắt giảm công suất vào năm 2024 do vấn đề nguồn cung, và do vậy sẽ đẩy giá vé lên cao hơn nữa.

Hãng hàng không WestJet Airlines của Canada có 48 đơn đặt hàng cho máy bay MAX 10 cỡ lớn của Boeing Co. Giám đốc điều hành WestJet, Alexis von Hoensbroech, cho biết dự kiến Boeing sẽ thực hiện đợt bàn giao hàng đầu tiên vào tháng 9/2024, sau khi được Cục Hàng không Liên bang Mỹ chứng nhận đạt tiêu chuẩn vào mùa Hè tới. Trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị Montréal, ông này dự đoán giá vé máy bay sẽ "dễ chịu" hơn đối với các du khách đến châu Âu vào mùa Hè tới, khi nhiều hãng hàng không tăng công suất chuyên chở.

Nhiều vấn đề khiến các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé để đối phó, việc đi máy bay càng trở nên tốn kém hơn.
Nhiều vấn đề khiến các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé để đối phó, việc đi máy bay càng trở nên tốn kém hơn.

Một vấn đề khác có thể đẩy giá vé máy bay lên cao hơn nữa trong những năm tới là việc các hãng hàng không chuyển sang sử dụng nhiên liệu bền vững có giá thành đắt đỏ hơn. Các hãng hàng không đóng góp hơn 2% lượng khí thải carbon của thế giới, nhưng lại tụt hậu so với hầu hết các doanh nghiệp khác trong cam kết vì một tương lai sạch hơn.

Một phần do giải pháp khả thi duy nhất hiện nay - nhiên liệu hàng không bền vững - có giá gấp năm lần nhiên liệu máy bay truyền thống. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, ngành này sẽ phải trả 2.000 tỉ đô la Mỹ để giảm carbon về 0 vào năm 2050. Các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé để đối phó, khiến việc đi máy bay càng trở nên tốn kém hơn.

Việc Trung Quốc mở cửa chậm chạp cũng khiến các hãng hàng không lo lắng về việc đưa tất cả máy bay vận hành trở lại, dẫn đến ít chỗ ngồi hơn trên các tuyến quốc tế, siết chặt nhu cầu và đẩy giá vé máy bay lên cao. Các chuyến bay đến Trung Quốc hiện tại có rất ít và giá cao ngất ngưởng. Một cuộc khảo sát được công bố cuối tháng 4 cho thấy, hơn 30% du khách Trung Quốc đã loại bỏ việc đi du lịch nước ngoài vào năm 2023.

Thực tế, đã có tới 16.000 máy bay - chiếm khoảng 2/3 đội bay thương mại của thế giới - đã dừng bay ở đỉnh điểm của đại dịch. Để những chiếc máy bay có thể bay trở lại là một nhiệm vụ to lớn liên quan đến việc xem xét kỹ lưỡng mọi bộ phận để đảm bảo an toàn. Với các vấn đề hiện nay, giá vé máy bay quốc tế dự báo sẽ còn ở mức cao cho đến mùa Hè 2024, sau khi tăng tới 15% vào năm ngoái và năm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate