November 16, 2021 | 09:59 GMT+7

Nhiều sếp nhanh tay chốt lời khi chứng khoán trên đỉnh

An Nhiên -

Đà tăng mạnh của các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đã giúp cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thu tiền tỷ nhờ chốt lãi cổ phiếu đúng vùng đỉnh lịch sử...

“Niềm vui của người này, là nỗi buồn của người khác”. Trên thị trường chứng khoán cũng vậy. Trong khi nhiều nhà đầu tư ngồi trên đống lửa vì trót đu đỉnh cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ trong cơn sóng siêu ngắn vừa qua thì ngược lại, đà tăng mạnh của các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đã giúp cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thu tiền tỷ nhờ chốt lãi cổ phiếu đúng vùng đỉnh lịch sử.

Tại Bamboo Capital, kể từ cuối tháng 7 đến nay, thị giá cổ phiếu BCG đã tăng gần gấp 3 lần, từ vùng giá 11.000 đồng lên đỉnh 27.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 2/11. Đây là vùng giá đỉnh lịch sử của BCG kể từ ngày niêm yết. Một thành viên Hội đồng quản trị Độc lập đã hoàn tất bán ra 200.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,41% xuống còn 0,34%. Nếu bán theo đúng giá ngày 2/11, vị này đã có thể thu về 5,4 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.

Đây là vùng giá đỉnh lịch sử của BCG kể từ ngày niêm yết.
Đây là vùng giá đỉnh lịch sử của BCG kể từ ngày niêm yết.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính công ty mẹ ghi nhận lãi 10,3 tỷ đồng, giảm 68% so với năm ngoái. Báo cáo tài chính hợp nhất doanh thu giảm 41% nhưng lãi ròng tăng đột biến lên 166 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Giải trình về khoản lợi nhuận này, BCG cho biết, kết quả này có được chủ yếu nhờ lợi nhuận đến từ các công ty con. Trong đó, nổi bật là việc chuyển nhượng một số dự án, doanh thu từ hoạt động thi công, xây lắp, đồng thời ghi nhận dòng tiền từ các dự án năng lượng tái tạo đã đóng điện thời điểm cuối năm 2020.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, từ con số 102 tỷ đồng năm ngoái, gấp 5 lần lên 596 tỷ đồng năm nay. Trong đó, chủ yếu là khoản lãi đầu tư cổ phiếu và trái phiếu 238 tỷ đồng tăng 12,5 lần; lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư 350 tỷ đồng, tăng 4,2 lần. Tuy nhiên, đây là khoản lãi phải thu ăn trước, tức là trên thực tế BCG vẫn chưa được nhận về khoản này.

Danh mục đầu tư cổ phiếu của BCG.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của BCG.

Tại Tập đoàn Đất Xanh, cổ phiếu DXG cũng đang ở vùng đỉnh lịch sử. Từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá DXG đã tăng liên tục, từ vùng giá 18.000 đồng lên 27.850 đồng/cổ phiếu.

Trong khoảng thời gian này, lãnh đạo DXG đồng loạt bán ra thu lời trăm tỷ đồng. Đơn cử, một Phó Chủ tịch HĐQT ngày 4/11 vừa qua đã bán ra hơn 6 triệu cổ phiếu DXG theo phương thức thỏa thuận vào ngày 04/11, thu về 134 tỷ đồng. Sau giao dịch, vị này đã hạ sở hữu tại DXG từ mức 10,7 triệu cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ 1,8% xuống còn 4,6 triệu cổ phiếu, tương ứng với 0,78%. Một thành viên HĐQT khác cũng đã bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu DXG, trong khoảng thời gian từ 15/10-14/11. Tạm tính theo giá phiên 12/11, vi này đã có thể thu về 27 tỷ đồng.

Hàng loạt sếp lớn khác của Đất Xanh cũng đăng ký bán ra cổ phiếu như: Ông Hà Đức Hiếu, Thành viên HĐQT DXG cũng vừa đăng ký bán ra 178.200 cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ 16/11 đến 15/12; Phó TGĐ DXG là ông Lê Hào cũng đăng ký bán ra 46.000 cổ phiếu; bà Đỗ Thị Thái, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bán ra 283.000 cổ phiếu.

Từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá DXG đã tăng liên tục, từ vùng giá 18.000 đồng lên 27.850 đồng/cổ phiếu.
Từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá DXG đã tăng liên tục, từ vùng giá 18.000 đồng lên 27.850 đồng/cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, DXG ghi nhận doanh thu thuần tăng 63% so với cùng kỳ, đạt gần 1.303 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng vọt lên hơn 520 tỷ đồng (gấp 3 lần) khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 80% xuống còn 60%. Trong kỳ, loạt chi phí của DXG cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 55% do tăng chi phí lãi vay, chi phí bán hàng tăng mạnh lên hơn 289 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, do tăng chi phí môi giới và quảng cáo. Kết quả, DXG báo lãi ròng giảm 48%, xuống còn 52 tỷ đồng.

Tương tự, tại Công ty CP Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Cổ phiếu HQC từ mức giá 3.000 đồng trong vòng nửa tháng tăng lên 6.230 đồng/cổ phiếu. Khởi đầu lên sàn năm 2011, HQC được giao dịch với mức giá gần 17.000 đồng/cổ phiếu, nhưng suốt những năm sau đó thị giá HQC lao đốc, có giai đoạn chỉ còn hơn 1.000 đồng/cổ phiếu và đây là thời điểm tăng giá mạnh mẽ nhất của HQC từng có.

Trong thời điểm này, từ ngày 27/10 đến 3/11, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, đã bán ra 24 triệu cổ phiếu, Tất cả giao dịch đều thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Chiếu theo mức giá bình quân, ước tính vị lãnh đạo thu về khoảng 127 tỷ đồng. Sau khi bán ra, ông Tuấn không còn là cổ đông lớn, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ hạ xuống còn 3,43%.

Trước đó, ông Tuấn từng liên tục gom vào tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 10/05 - 06/09/2019, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 8.47% (40,35 triệu cổ phiếu). Mức giá cổ phiếu HQC giai đoạn này chỉ khoảng 1.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính ông Tuấn đã lãi gần gấp 4 lần mức giá mua vào hồi giữa năm 2019.

Diễn biến giá cổ phiếu HQC.
Diễn biến giá cổ phiếu HQC.

Về tình hình kinh doanh, HQC báo lãi sau thuế quý 3/2021 hơn 1 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Công ty giải trình kết quả đi lùi do tình hình Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, làm cho khách hàng cũng như nhà đầu tư hạn chế giao dịch, dẫn đến doanh thu quý không đạt như kỳ vọng.

Sếp của Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) - bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Thành viên HĐQT mới đây cũng đã thu về 29 tỷ đồng nhờ chốt lời 1 triệu cổ phiếu CKG đúng vùng đỉnh lịch sử. Cùng với sóng cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, trên thị trường, giá cổ phiếu CKG đang giao dịch tại vùng giá cao kỷ lục kể từ khi niêm yết (25/03/2020) đến nay. Phiên giao dịch hôm nay, CKG đang ở mức 31.200 đồng/cổ phiếu, tăng 45% qua 1 quý trở lại đây, khối lượng giao dịch bình quân hơn 3 triệu cổ phiếu/phiên.

Về hoạt động kinh doanh quý 3/2021 của CKG, doanh thu thuần ghi nhận hơn 43 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 9.6 tỷ đồng, giảm 54%. Theo giải trình của CKG, quý 2 và quý 3 do tình hình dịch bệnh kéo dài, TP Rạch Giá thực hiện giãn cách theo quy định. Nhiều công trình thi công của Công ty chủ yếu trên địa bàn TP Rạch Giá bị chậm tiến độ giao nhà theo kế hoạch.

Cùng với sóng cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, trên thị trường, giá cổ phiếu CKG đang giao dịch tại vùng giá cao kỷ lục kể từ khi niêm yết (25/03/2020) đến nay. 
Cùng với sóng cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, trên thị trường, giá cổ phiếu CKG đang giao dịch tại vùng giá cao kỷ lục kể từ khi niêm yết (25/03/2020) đến nay. 

Không riêng gì nhóm bất động sản, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến một “cơn điên” chưa từng có của nhóm penny trong thời gian gần đây với hàng loạt mã kịch trần liên tiếp bất chấp kết quả kinh doanh bết bát, thua lỗ. Điều này không quá khó hiểu khi mà tiền đổ cuồn cuộn vào thị trường trong khi nhóm ngân hàng, nhóm vốn hoá lớn đã tăng quá mạnh suốt từ đầu năm, dẫn đến penny là lựa chọn hàng đầu để sinh lời khi nhóm này gần như không biến động nhiều về giá. 

Tuy nhiên, cũng giống như những cơn sóng thần khác, sau khi cảm thấy đủ, chốt lời, sẽ là lúc dòng tiền tháo chạy khỏi penny quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp, phản ánh nền kinh tế, do vậy nên cần thận trọng với những cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate