July 25, 2024 | 20:53 GMT+7

Nhiều thị trường không thỏa mãn tiêu chí vẫn được nâng hạng: Kinh nghiệm gì cho Việt Nam?

Kiều Trang -

Nhiều thị trường như Trung Quốc, Arap Arabia.. .mặc dù không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nhưng vẫn được nâng hạng. Việt Nam có gì hấp dẫn để các nhà đầu tư thích, tạo ra một dư luận để các tổ chức xếp hạng "nâng đỡ" hoặc du di tiêu chuẩn đối với Việt Nam?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thiếu hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán là một trong những rào cản ngăn dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. Không đủ sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài từ đó cũng khiến quá trình nâng hạng khó hơn nhiều so với các thị trường lân cận.

Tại buổi đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy, cho rằng có hai trở ngại chính mà chúng ta phải lưu ý để tối ưu hóa quá trình nâng hạng.

Thứ nhất là hàng hóa. Hàng hóa trong quá trình nâng hạng rất quan trọng, tại thời điểm năm 2017 chỉ một vài cổ phiếu Việt Nam được vào chỉ số MSCI Emering Markets Index như VNM do tỷ lệ free float lớn, bên cạnh đó còn có 3 cổ phiếu khác. Chỉ số này có hơn 1000 cổ phiếu mà Việt Nam chỉ có 3 cổ phiếu, tức là tỷ trọng rất nhỏ. 1000 tỷ USD dùng chỉ số đó để mua bán thì chúng ta chỉ được phân bổ mấy phần trăm của số tiền đó, không đáng kể.

"Chúng tôi đã hi vọng từ năm 2017 chúng ta có thêm nhiều hàng mới niêm yết như trường hợp của Thaco nâng lên đặt xuống mãi cuối cùng cũng chưa niêm yết, nếu thêm được những công ty như vậy thì sẽ có sức hút hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Thiếu hàng hóa còn do vấn đề cơ cấu kinh tế, chiến lược cổ phần hóa, liên quan nhiều đến vĩ mô...", ông Linh nói. 

Thứ hai, chúng ta có thể vào thị trường mới nổi nhưng vẫn có thể bị đẩy ra, điển hình Parkistan, năm nay vào năm sau lại ra cho đến một ngày bị rơi vào tình trạng không biết bị xếp vào chỉ số nào nữa.

Quan trọng nhất vẫn là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam như thế nào? Tất cả các yếu tố định tính và định lượng chúng ta đang làm cố gắng thoả mãn các tiêu chí họ đặt ra, nhưng có những thị trường không thỏa mãn, thiếu rất nhiều tiêu chí họ vẫn vào được Emerging Market Index vì...hấp dẫn quá.

Điều đó cho thấy sức ép của nhà đầu tư rất lớn. Bản thân công ty xếp hạng cũng phải tính đến yếu tố thị trường để xem xét có cho nước đó vào hay không ví dụ trường hợp của Ả rập Xê út, Saudi Arabia và Trung Quốc.

Trường hợp của Trung Quốc rõ ràng hơn khi đây là thị trường lớn nhất thế giới, có nhiều công ty lớn. Tại Saudi Arabia, Saudi Aramco là công ty dầu khí lớn nhất thế giới, nếu như Saudi Arabia không được vào thị trường mới nổi thì cổ phiếu này cũng không được vào chỉ số MSCI Emering Markets Index. Đó là sự vô lý lớn, nhà đầu tư đã dùng sức ép để khiến cho đất nước đó được vào chỉ số mới nổi.

"Quay trở lại Việt Nam, chúng ta có gì hấp dẫn để các nhà đầu tư thích Việt Nam, tạo ra một dư luận để các tổ chức xếp hạng kia "nâng đỡ" hoặc du di tiêu chuẩn đối với Việt Nam không? Trong thời gian vừa rồi tôi hi vọng có điều đó xảy ra nhưng vấn đề cơ bản của chúng ta có hàng hóa tốt hay không nhưng thực sự tôi đánh giá chưa cải thiện so với cách đây 5-7 năm", ông Linh nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Linh, nếu chúng ta có thực sự có công ty tốt thì nhà đầu tư có muôn vàn cách để mua sở hữu công ty đó. Cố gẵng nỗ lực nâng hạng là bước tiến nhưng sau khi nâng hạng phải tối ưu được dòng vốn làm cho kinh tế phát triển.

Nhiều thị trường không thỏa mãn tiêu chí vẫn được nâng hạng: Kinh nghiệm gì cho Việt Nam?  - Ảnh 1

Liên quan đến cải thiện chất lượng hàng hóa, mới đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết hiện nay, quá trình IPO và niêm yết đang là 2 quá trình tách biệt. Có thể có một số doanh nghiệp IPO xong rồi nhưng quá trình niêm yết kéo dài. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư tài chính nước ngoài, sau khi mua cổ phiếu, việc phải chờ từ 3 tháng trở lên không có giao dịch, không có thanh khoản sẽ là rào cản rất lớn, thậm chí một số quỹ hiện đang cầm những cổ phiếu không được niêm yết.

Để giải quyết việc này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát lại các quy định về chứng khoán và Nghị định 55 để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành một quy trình. Do vậy, sau khi sửa đổi các quy trình này, có thể nói việc doanh nghiệp sẽ được niêm yết được thực hiện ngay và thực chất sau khi IPO.

Cũng theo ông Hải, trong quá trình phát triển 24 năm kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán, có định hướng rất rõ ràng đó là hạn chế tối đa can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính. Do vậy, sẽ không có chuyện quay trở lại dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hoặc từ bỏ thị trường.

Trong thời gian vừa qua, số lượng doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường không nhiều. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và nâng hạng thị trường là mối quan hệ hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết vì họ chưa nhìn thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn của họ và họ không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải quá.

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài ngoài mong muốn vào thị trường khi họ nhìn thấy có nhiều doanh nghiệp lớn. Đây là mối quan hệ hai chiều.

"Do đó, việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn niêm yết nhiều hơn cũng là giải pháp chúng tôi cố gắng để nâng hạng thị trường", ông Hải nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate