July 06, 2024 | 08:18 GMT+7

Chuyên gia: Nâng hạng chỉ là một phần, cần chú ý đến chất lượng hàng hóa và sản phẩm tài chính hơn nữa

Tuệ Lâm -

"Chúng ta không nên đặt sự quan tâm vào việc nâng hạng thị trường quá mà cần chú ý đến chất lượng của hàng hóa và sản phẩm tài chính mà chúng ta có thể tạo ra trong thời gian tới. Đó sẽ là những điều chúng ta cần làm tốt hơn...".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Suốt từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan quản lý, thành viên trên thị trường chứng khoán đang nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí còn sót lại tiến tới được nâng hạng thị trường chứng khoán năm 2025 như mục tiêu Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, sau nâng hạng, trụ lại được thị trường cũng là một vấn đề mà các chuyên gia đã nhìn từ sớm và đưa ra hàng loạt cảnh báo, khuyến nghị.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?", cho rằng không nên đặt quá nhiều sự quan tâm vào việc nâng hạng thị trường mà cần chú ý đến chất lượng của hàng hóa và sản phẩm tài chính trong thời gian tới. Đó sẽ là những điều chúng ta cần làm tốt hơn.

Cụ thể, theo ông Minh, có ba quỹ chỉ số lớn hiện nay đang là thước đo đo lường cho việc nâng hạng là FTSE Russell, MSCI và S&P Gobal. Hiện thị trường Việt Nam đang được hai tổ chức FTSE Russell và MSCI xem xét. 

Hiện nay trên thị trường đang hiểu rằng nâng hạng là cái gì đó giúp tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường, hay tăng những tiêu chuẩn theo quy định của quỹ đầu tư trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, cần lưu ý tất cả các quỹ chỉ số hiện nay, thước đo tiêu chuẩn của họ là tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của một thị trường, không phải tiêu chuẩn về mặt yếu tố cơ bản hay yếu tố vĩ mô, hay tiêu chí về mặt nền tảng của một thị trường.

Khi chúng ta nâng những tiêu chí về mặt kỹ thuật, không đồng nghĩa với việc chất lượng hàng hóa của các cổ phiếu đang niêm yết trên ba sàn được các quỹ đánh giá cao hơn. Đây là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn.

Về mặt tiêu chí kỹ thuật, thị trường Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào vốn hóa, thanh khoản thị trường, việc gia nhập của nhà đầu tư vào thị trường có dễ dàng hơn hay không, tính công bằng của nhà đầu tư cá nhân trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những tiêu chí đánh giá thị trường Việt Nam.

Thị trường Việt Nam đang tương đối gần đạt tiêu chí của FTSE. Uỷ ban Chứng khoán đang đặt mục tiêu sẽ thực hiện chốt pre-funding trước tháng 9 năm nay. Nếu thị trường Việt Nam đảm bảo thoả mãn tiêu chí về pre-funding sẽ đạt khoảng 95% điều kiện để nâng hạng.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng ở FTSE chỉ là thị trường mới nổi thứ cấp, chưa phải thị trường mới nổi hoàn toàn. Điều này có nghĩa là kể cả chúng ta có nâng hạng thì lượng vốn đổ vào thị trường chưa chắc đã lớn. Dù vậy là tâm lý của nhà đầu tư có thể cải thiện khi nhìn thấy sự phát triển của thị trường Việt Nam.

"Tuy nhiên, áp lực mà tôi lo lắng hơn là trong 3 năm gần đây có những thị trường mới được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE hay MSCI trong 1 năm, gần như 1 năm sau đó bị hạ bậc trở lại hoặc tách ra thành một thị trường chuyên biệt. Sau giai đoạn dịch COVID, một vài quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ như Argentina, Pakistan, … sau đó bị loại ra khỏi nhóm thị trường mới nổi. Do đó ranh giới giữa việc vào – ra cũng rất mong manh.

Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt sự quan tâm vào việc nâng hạng thị trường quá mà cần chú ý đến chất lượng của hàng hóa và sản phẩm tài chính mà chúng ta có thể tạo ra trong thời gian tới. Đó sẽ là những điều chúng ta cần làm tốt hơn", ông Minh nhấn mạnh.

Trước đó,  Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải cũng bày tỏ lo lắng, làm thế nào để trụ được hạng sau khi nâng hạng là một vấn đề thách thức. Nếu không trụ được hạng, dòng vốn có thể "chảy" ngược ra. Đây là mối quan tâm của các cơ quan quản lí và doanh nghiệp. Do đó để trụ được hạng, cần tiếp tục thay đổi pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Câu chuyên nâng hạng, duy trì thứ hạng phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư đối với trải nghiệm của họ trên thị trường chứ không phải trải nghiệm với cơ chế pháp luật. Do vậy, dù cơ quan quản lí đưa ra cơ chế pháp luật, câu chuyện duy trì hạng vẫn còn phụ thuộc vào doanh nghiệp trên thị trường.

Ông Bùi Hoàng Hải dẫn ví dụ việc cơ quan quản lí cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhưng các doanh nghiệp không công bố thông tin, đưa ra quy định hạn chế. Như vậy, chính doanh nghiệp làm cho nhà đầu tư nước ngoài không thể nhập cuộc, từ đó đánh giá khả năng tiếp cận thị trường kém. Việc công bố thông tin, quản trị thông tin cũng đưa ra các yêu cầu nhưng các doanh nghiệp có thể không thực thi.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding), pháp luật và cơ quan quản lí cho phép công ty chứng khoán không yêu cầu prefunding nhưng năng lực công ty chứng khoán không đáp ứng được. Điều này khiến trải nghiệm nhà đầu tư không tốt trên thị trường, đánh giá tiêu cực hoặc có thể đánh giá lại thị trường.

"Câu chuyện quan trọng khác là việc nâng hạng phụ thuộc vào nhu cầu, trải nghiệm của nhà đầu tư, sau đó liên tục đòi hỏi yêu cầu mới sau trải nghiệm đó. Để tiếp tục duy trì thứ hạng, cơ quan quản lí cần tiếp tục trao đổi chặt chẽ với tổ chức xếp hạng. Từ đó đảm bảo, dự báo trước được những tiêu chí sẽ có thể thay đổi hoặc có những yêu cầu cao hơn. Từ đó, các công ty chứng khoán, doanh nghiệp thuộc tổ chức niêm yết, ngân hàng lưu ký sẽ phải chuẩn bị những điều cần thiết, tiếp tục đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao", Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate