Đó là nhận định được nhiều chuyên gia ở châu phi, đại sứ của nhiều nước châu Phi tại Việt Nam nêu lên tại hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Phi - Trung Đông hậu Covid-19", diễn ra chiều 11/11/2021, do Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phối hợp với Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi tổ chức theo hình thức trực tuyến.
KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH, GIAO THƯƠNG VẪN TĂNG MẠNH
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết khu vực Trung Đông - Châu Phi là thị trường rất rộng lớn với 1,6 tỷ dân, nhiều quốc gia trong đó là đối tác bạn bè truyền thống và ngày càng quan trọng với Việt Nam. Trung Đông có tiềm năng dồi dào về nhiên liệu như dầu khí, tài chính, nguồn vốn và công nghệ. Châu Phi là thị trường tiêu dùng lớn của thế giới.
“Nhiều nước ở Trung Đông và Châu Phi đang đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên, đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế bền vững. Chính vì vậy, đây là cơ hội rất lớn cho các nước có hội nhập kinh tế sâu rộng, có tiềm năng như ở Việt Nam”, ông Phạm Quang Hiệu nói.
Theo ông Hiệu, Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á, lần đầu tiên trở thành một trong 20 nước thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới vào năm 2020.
“Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng hàng đầu khu vực và trên thế giới, với rất nhiều hiệp định đa phương, song phương. Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông – Châu Phi trong nhiều lĩnh vực kinh tế: đầu tư, thương mại, khoa học và nông nghiệp”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho hay, từ năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi vẫn tăng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông – Châu Phi năm 2020 tăng 12% so với năm 2019, đạt 20,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn. Nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Đông tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái, với châu Phi tăng 30%.
Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
“Chúng ta liên tục tăng trưởng trong khó khăn, đây là tín hiệu rất quan trọng. Tuy vậy, vẫn nhận thấy rằng tiềm nằng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng. Nhưng quan trọng hơn, hai phía chúng ta có cùng nhu cầu và thế mạnh hợp tác để có thể bổ sung được cho nhau, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại tăng nhanh hơn nữa”, ông Hiệu nhận định.
Ông Nguyễn Quang Khai, Cựu Đại sứ Việt Nam tại nhiều nước vùng Trung Đông nhận định, khu vực Trung Đông nhập khẩu nông sản rất lớn. Nông sản Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Mỹ, Nhật Bản, EU, thế nhưng xuất khẩu vào Trung Đông vẫn rất thấp. Các nước vùng Vịnh yêu cầu thực phẩm chế biến nhập khẩu phải đạt và có chứng nhận Halai, vì vậy các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam cần phải quan tâm đến quy chuẩn Hala để tăng xuất khẩu nông sản vào khu vực này.
Theo ông Khai, tiềm năng hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Đông cũng rất lớn. Thế nhưng, hiện nay hàng năm Việt Nam mới thu hút được khoảng 300.000 lượt du khách từ Trung Đông, đây là con số rất khiêm tốn.
Đai sứ Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng cho rằng, lao động Việt Nam tại khu vực Vùng Vịnh có lúc lên đến hàng chục nghìn người, nhưng từ khi xảy ra dịch Covid, số lượng lao động người Việt ở đây giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, bối cảnh tình hình dịch Covid đem lại những khó khăn hơn, nhưng cũng đem lại những cơ hội, vì vậy cần phải có cách tiếp cận mới trong hợp tác, giao thương với Trung Đông.
NHIỀU CƠ HỘI ĐẦU TƯ VÀO CHÂU PHI
Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Ma-Rốc tại Việt Nam phát biểu cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang cho một số quốc gia ở châu Phi. Rất nhiều người dân châu Phi đang đói ăn. Từ khi đại dịch Covid xảy ra, càng làm trầm trọng thêm nạn đói. Covid đã khiến gần như một nửa số người dân châu Phi mất việc làm, nhiều lĩnh vực kinh tế suy giảm nghiêm trọng.
"Các quốc gia ở châu Phi đang rất cần nhập khẩu lương thực, vì vậy trong lúc Covid như thế này, hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Phi cần phải đẩy nhanh hơn nữa".
Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Ma-Rốc tại Việt Nam
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam thúc đẩy tăng xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang châu Phi, cũng có thể trở thành nhà thầu cho các dự án rất lớn về nông nghiệp ở các nước châu Phi.
Bà Từ Thanh Hương, Giám đốc Tập đoàn Nông nghiệp VEDICO tại Sierra Leone cho biết, sản xuất lương thực ở châu Phi chậm phát triển, do lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp ở đây không muốn đầu tư. Nhìn thấy cơ hội, chúng tôi đã sang đầu tư nông nghiệp tại nước Sierra Leone.
Công ty VEDICO đã lai tạo giữa các giống lúa năng suất cao của Việt Nam với giống lúa thuần của Châu Phi, cho ra giống lúa vừa thích ứng với thổ nhưỡng của châu Phi, vừa cho năng suất cao. Công ty đầu tư liên kết với nông dân Sierra Leone sản xuất lúa hữu cơ để xuất khẩu gạo vào châu Âu.
“Chúng tội học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong sản xuất lúa gạo, nhưng cũng rút kinh nghiệm không cho nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, không hủy hoại đất đai, đảm bảo môi trường. Cảm ơn các nhà khoa học Việt Nam đã giúp chúng tôi phát triển nhiều giống lúa ở châu Phi trong 2 năm qua”, bà Hương bày tỏ.
Ông Lương Quốc Thịnh, Đại sứ Việt Nam tại Nigeria cho biết Nigeria là một đất nước gần 200 triệu dân, có rất nhiều tiềm năng dể hợp tác. Mới đây, tôi tiếp kiến với Phó Tổng thống Nigeria, ông ấy nói rằng Nigeria là nước xuất khẩu điều thô sang Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ công nghệ chế biến điều. Nigeria mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chế biến điều tại Nigeria.
Ông Chekou Oussouman, Trưởng Đại diện Tổ chức Pháp Ngữ (OIF) tại Châu Á – Thái Bình Dương cho biết do lịch sử để lại, Việt Nam và các nước châu Phi có nhiều người nói tiếng Pháp, đây là điều kiện thuận lợi cho hợp tác giao thương. OIF đang lên kế hoạch Chương trình Diễn đàn “Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Pháp ngữ 2022” sẽ tổ chức tại Việt Nam.
Sự kiện này sẽ được phối hợp tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam… nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi, vùng Caribê và Ấn Độ Dương trao đổi về các dự án hợp tác kinh tế, thương mại.
“Các lĩnh vực hợp tác được chú trọng tại Diễn đàn bao gồm: Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản- công nghiệp chế biến; Năng lượng tái tạo; Hàng hóa, dịch vụ kĩ thuật số - công nghệ; Các dịch vụ hỗ trợ như Logistics; Tài chính. Thay mặt Ban tổ chức, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ trân trọng kính mời các doanh nghiêp quan tâm đăng kí tham gia hoạt động của đoàn trước ngày 15/11/2021”, ông Chekou Oussouman thông tin.