Trong đó tại tỉnh Quảng Trị, Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
Ngoài ra, việc phê duyệt bổ sung quy hoạch một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn, khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ ngành theo quy định Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành các Quyết định khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đúng tiêu chí quy định tại Luật Khoáng sản và Nghị định 15/2012/NĐ-CP Chính phủ; ban hành Quyết định 27/2014/QĐ-UBND (đã được bãi bỏ) quy định về quản lý, khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình trên địa bàn không xác định đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phân cấp cho UBND cấp huyện cấp phép khai thác là chưa đúng quy định.
Không những thế, Kết luận thanh tra nêu rõ, việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng không đúng (mỏ đất xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị); Chưa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản (mỏ đá khối A – Tân Lâm, xã Cam Thành của Công ty cổ phần Thiên Tân – đại diện Liên danh Công ty cổ phần Thiên Tân và Công ty cổ phần Tân Hưng); khai thác vượt công suất (mỏ đá vôi khối B – Tân Lâm, xã Cam Tuyền của Công ty cổ phần Thiên Tân);
Một số mỏ đã hết thời hạn theo giấy phép nhưng chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường; cho phép 3 hộ gia đình cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình, là không đúng với quy định Luật Khoáng sản.
Đặc biệt, chưa thực hiện triệt để việc ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án và việc nâng công suất khai thác theo quy định tại Nghị định 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ, dẫn đến một số gói thầu của dự án không mua được đá và phải mua tại các tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Nam, làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian thi công; việc công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn từ năm 2019 đến tháng 11/2022 không có giá đất vật liệu san lấp.
Với tình hình trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị, xem xét xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã thực hiện chưa triệt để nhiệm vụ được giao.
Xác định, thu nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp đối với 3 hộ gia đình được cấp phép cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp; đồng thời chỉ đạo kiểm tra, rà soát các trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Quyết định 27/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh, về quản lý, khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình trên địa bàn, để xác định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có);
Chỉ đạo xem xét xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sản lượng đã khai thác đối với các mỏ phục vụ cho các dự án đầu tư công không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý giá vật liệu theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các mỏ thuộc khu vực cấp phép không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cung cấp cho công trình có vốn đầu tư công nói chung và dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn nói riêng; xử lý nghiêm các mỏ đã hết hạn theo giấy phép khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa và cải tạo phục hồi môi trường...