Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và các thành viên hội đồng đã thông qua trữ lượng mỏ đá sét làm nguyên liệu xi măng tại thôn Đồng Nhất và thôn Đồng Hải, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Theo tài liệu thăm dò, trạng thái tự nhiên mỏ cấp 121 +122 là 14,203 triệu tấn, đạt 146%; trạng thái khô: cấp 121 +122 là 11,423 triệu tấn. Ngoài ra đã xác định được khối lượng lớp kẹp phi nguyên liệu là 1,873 triệu m3.
Đối với báo cáo kết quả thăm dò laterit làm phụ gia xi măng tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, Hội đồng đã phê duyệt trữ lượng quặng laterit làm phụ gia xi măng trong diện tích thăm dò là 4,684 triệu tấn ở trạng thái tự nhiên, tương đương 3,731 triệu tấn ở trạng thái khô. Trong đó trữ lượng cấp 121 là 1,189 triệu tấn ở trạng thái tự nhiên, tương đương 947 nghìn tấn ở trạng thái khô. Trữ lượng cấp 121 chiếm khoảng 25% tổng trữ lượng toàn mỏ.
Đối với báo cáo kết quả thăm dò quặng nikel- đồng của Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc, Hội đồng đã thông qua tổng trữ lượng của cả quặng sulfua xâm tán và sulfua đặc sít cấp 122 là hơn 45,4 triệu tấn quặng chứa 224.314 tấn kim loại Ni, 33.662 tấn kim loại Cu và 6.215 tấn kim loại Co.
Hội đồng cũng ghi nhận tài nguyên cấp 222 gồm gần 5,59 triệu tấn quặng chứa 33.975 tấn kim loại Ni, 6.069 tấn kim loại Cu và 832 tấn kim loại Co; tài nguyên cấp 333 gồm gần 3 triệu tấn quặng, chứa 19.844 tấn kim loại Ni, 7.249 tấn kim loại Cu và 598 tấn kim loại Co.
Theo báo cáo kết quả thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại thôn Đồng Nhất và thôn Đồng Hải, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, công tác thăm dò đã nghiên cứu làm sáng tỏ đặc điểm địa chất của các thành tạo có mặt trong diện tích thăm dò; làm rõ sự tồn tại và đặc điểm phân bố của thân nguyên liệu đá sét cũng như đặc điểm chất lượng theo từng tầng sản phẩm phong hóa mạnh và phong hóa vừa.
Cùng với đó, nghiên cứu và đánh giá khả năng sử dụng đá sét tại các diện tích thăm dò làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Kết quả cho thấy đá sét tại diện tích thăm dò có chất lượng đáp ứng yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng và thoả mãn tiêu chuẩn TCVN 6071- 2013- nguyên liệu sản xuất xi măng poóc lăng- đá sét- yêu cầu kỹ thuật.
Đối với kết quả thăm dò laterit làm phụ gia xi măng tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, báo cáo kết quả thăm dò đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất mỏ, đánh giá được điều kiện địa chất thủy văn - địa chất công trình ảnh hưởng đến quá trình khai thác, đánh giá chất lượng và tính trữ lượng quặng laterit, đồng thời kiến nghị các vấn đề cần chú ý trong quá trình khai thác mỏ.
Báo cáo kết quả thăm dò quặng nikel- đồng tại khu Tạ Khoa, Hồng Ngài, thuộc các xã Mường Khoa, Tạ Khoa, Hồng Ngài, Song Pe, huyện Bắc Yên và khu Tà Hộc, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, công tác thăm dò đã hoàn thành đo vẽ địa chất tỉ lệ 1:25.000 cho 49,7 km2; đo vẽ sơ đồ địa chất tỉ lệ 1:2000 cho 11 tiểu khu với khối lượng 17,27 km2; đo vẽ địa chất công trình và địa chất thủy văn cho 4 tiểu khu: Bản Phúc, Bản Khoa, Bản Chạng; Suối Đán.
Cùng với đó, khảo sát địa vật lý trường chuyển cho các tiểu khu: Bản Chạng, Suối Chanh, Suối Phặng; khoan thăm dò 93.873m/517 lỗ khoan; lấy và phân tích 16.788 mẫu lõi khoan, 828 mẫu rãnh; lấy và thí nghiệm công nghệ đối với 5 mẫu lớn; lấy và phân tích 131 mẫu mẫu thạch học lát mỏng và 115 mẫu khoáng tướng, 28 mẫu silicat, 18 mẫu phóng xạ, 65 mẫu cơ lý đá, 35 mẫu cơ lý đất, 31 mẫu hóa nước, 1 mẫu vi lượng độc hại, 1 mẫu vi sinh.
Kết quả thăm dò đã xác định được những đặc điểm cơ bản về cấu trúc địa chất mỏ, hình thái, điều kiện thế nằm, cấu tạo thân quặng, mức độ biến đổi chiều dày, chất lượng quặng và hướng cắm của các thân quặng.
Theo Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc, với chiến lược khai thác và chế biến sâu quặng sulfua nikel phục vụ công nghiệp chế tạo tiền chất cho pin năng lượng tại Sơn La, việc tìm thêm nguồn quặng sulfua nikel là vấn đề cấp thiết.