Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra các dự án công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, qua kiểm tra 4 huyện: Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ngọc Hồi về công tác quản lý đất công, đất công ích thấy: sau khi nhận bàn giao đất, địa phương tiếp tục quản lý theo hiện trạng, nhưng chưa tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh, vi phạm trình tự, thủ tục quản lý đất đai. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 3/6 đơn vị có quỹ đất công ích, với tổng diện tích hơn 303,03ha được cấp huyện giao cho các xã, phường quản lý. Qua kiểm tra thì việc quản lý, sử dụng đất cấp huyện chưa chặt chẽ, buông lỏng, dẫn đến cấp xã, phường sử dụng đất chưa đúng.
Bên cạnh đó việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng có vi phạm. Cụ thể tại TP. Kon Tum còn tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của tỉnh, phân lô theo hiện trạng dẫn đến diện tích các lô không đồng đều; giao đất cho 43 trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu 3.515,19 triệu đồng. Tại huyện Đắk Hà, 85 trường hợp giao đất không qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong thời gian dài là vi phạm Luật Đất đai 2013.
Đáng chú ý, một số công chức của huyện này được giao diện tích đất lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở nhưng thực tế không có nhu cầu nên khi kiểm tra thực địa thấy để đất hoang hóa hoặc chuyển nhượng đất để kiếm lời.
Theo Thanh tra Chính phủ, khi kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất với một số hộ gia đình, cá nhân tại 5 huyện, thành phố: Kon Tum, Đắk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Sa Thầy đều phát hiện dấu hiệu vi phạm. Mặt khác cũng phát hiện vi phạm trong trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu vực đô thị đối của 378 hồ sơ (154 hồ sơ đất đấu giá và 234 hồ sơ công nhận, không thông qua đấu giá).
Song song với các nội dung trên, Kết luận thanh tra còn nêu đến việc phê duyệt Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Mặc dù Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 được Hội đồng thẩm định giá đất thống nhất (tại văn bản số 3407/HĐTĐGĐ ngày 15/11/2019 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và UBND tỉnh có Tờ trình số 159/TTr-UBND ngày 25/11/2019 gửi HĐND tỉnh) nhưng không được phê duyệt; ngày 25/12/2019, UBND tỉnh có Tờ trình số 179/TTr-UBND đề nghị thông qua Bảng giá đất định kỳ 5 năm (2020-2024) trên địa bàn tỉnh Kon Tum là vi phạm căn cứ xây dựng bảng giá đất.
Thanh tra Chính phủ còn tiến hành thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách cũng đã phát hiện một số vi phạm. Việc xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là thiếu kiên quyết xử lý các dự án không triển khai, nhất là các dự án thủy điện. Cụ thể có 54 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư không theo dõi, quản lý tiến độ dẫn đến không tham mưu chấm dứt hoạt động theo quy định...
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ kết quả thanh tra, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu trong Kết luận thanh tra; giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra gần 194.982,888 triệu đồng; chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, nhất là xây dựng và ban hành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý sử dụng đất công ích…