May 17, 2023 | 07:06 GMT+7

Bộ Tài chính không từ bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, trừ sữa

Trâm Anh -

Trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác, trừ sữa...

Bộ Tài chính khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng đường thấp bằng các mức thuế suất khác nhau.
Bộ Tài chính khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng đường thấp bằng các mức thuế suất khác nhau.

Tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp, trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính sửa khái niệm "đồ uống có đường" thành "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)" để đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 12828:2019, nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây.

 

Căn cứ tiêu chuẩn này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)" vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ nghiên cứu mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định, nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng đường thấp.

Nêu quan điểm trước đó, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, bởi việc này không giúp giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt. Chưa kể, chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như mía đường, bán lẻ, bao bì.

Trước đó, năm 20218, khi Bộ Tài chính từng đề xuất bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế, trừ các sản phẩm sữa, nhiều bộ, ngành cho rằng để có căn cứ thuyết phục đề nghị cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở Việt Nam với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân cụ thể. Một quan điểm khác cho rằng không chỉ nước ngọt mà nhiều sản phẩm chứa đường liệu có cần phải quản lý?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị cần xác định rõ khái niệm "đồ uống có đường" nhằm xác định rõ ở mức độ hàm lượng đường nào thì xếp vào nhóm này, từ đó, để áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp. 

Các đơn vị cũng đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...

Trong dự thảo năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng lo ngại áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều loại đồ uống được khơi lại vào thời điểm ngành đồ uống Việt Nam vừa trải qua thời kỳ lao đao vì dịch lại phải chống chọi với “bão giá” nguyên liệu đầu vào, lại dấy lên mối lo ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ các nước hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua việc đánh thuế vào nước giải khát có đường, để định hướng tiêu dùng.

Theo WHO, nước giải khát có đường là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Theo thống kê trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở trẻ em Việt Nam tăng gấp đôi, từ mức 8,5% lên 19%.

Cũng theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.

"Giảm nước giải khát có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, đây là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phố biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra", Bộ Y tế nhìn nhận.

Vì vậy, WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm, khi năm 2012 chỉ có 15 quốc gia bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc áp thuế mang lại hiệu quả giảm tiêu thụ đường. Chẳng hạn, tại Mexico, sau 2 năm áp dụng, các hộ gia đình đã giảm 12% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD. Trong ASEAN, có 6/10 nước gồm Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar cũng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate