June 03, 2021 | 05:17 GMT+7

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 6, covid và lạm phát là hai rủi ro lớn nhất

An Nhiên -

Đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán tháng 6, VNDirect cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ VN-Index tiến tới 1.380 điểm, đồng thời mức định giá hiện tại vẫn hợp lý khi EPS năm nay dự báo tăng trưởng 30%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 6 công bố ngày 2/6, Chứng khoán VnDirect dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.280-1.380 điểm trong tháng 6/2021. Mốc 1.280-1.300 điểm sẽ là những mốc hỗ trợ mạnh cho chỉ số trong tháng này.

Một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường tháng 6, bao gồm: Thứ nhất, một số nền kinh tế lớn đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 10 nền kinh tế lớn nhất, Anh có 56% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19, tiếp đến là Canada (52%), Mỹ (gần một nửa dân số), Ý (35%), Trung Quốc (35%) và Đức (34%). Nhờ có vắc xin trên diện rộng, một số quốc gia đã có kế hoạch mở cửa hoàn toàn vào quý 3 năm 2021, bao gồm Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác.

Sự mở cửa trở lại của một số nền kinh tế lớn có thể thúc đẩy nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa sau năm 2021.

                        Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 6, covid và lạm phát là hai rủi ro lớn nhất - Ảnh 1

Thứ hai, triển vọng xuất khẩu tươi sáng hơn. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) được công bố vào tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 lên 6,0% từ mức dự báo 5,5% trong báo cáo trước đó vào tháng 1.

Trong đó, IMF dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 6,4% vào năm 2021 so với 5,1% dự báo trước đó và nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc lên 8,4%, từ mức 8,1% trước đó. Bức tranh triển vọng hơn cho kinh tế toàn cầu nhờ tốc độ triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và mở rộng chính sách tài khóa.

Thứ 3, kỳ vọng lợi nhuận ròng các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 của các công ty niêm yết trên HOSE lên 30%, từ mức 23% trước đó.

Dù vậy thì thị trường cũng đối diện rủi ro, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 có thể cản trở triển vọng tăng trưởng trong quý 2. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 27/4, Việt Nam đã ghi nhận 3.104 ca mắc mới, tương đương 1,1 lần tổng số ca của ba đợt bùng phát trước đó. Việt Nam đã đóng cửa 4 khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang và thực hiện các biện pháp ngăn cách xã hội ở một số địa phương để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm.

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 6, covid và lạm phát là hai rủi ro lớn nhất - Ảnh 2

Trong khi đó, định giá thị trường hiện tại ở mức hợp lý, không còn bị định giá thấp nhưng không phải quá cao. Tính đến ngày 25/5/2021, P/E của VN-Index đạt 17,8 lần, thấp hơn mức 18,4 lần cuối tháng 4 nhờ kết quả kinh doanh quý 1/2021 của các công ty niêm yết được cải thiện. P/E hiện tại cao hơn 7,9% so với mức trung bình 5 năm là 16,5 lần và cao hơn 2,9% so với đầu năm 2021. P/E forward 2021 của VnIndex ở mức 16,5 lần.

Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 6, covid và lạm phát là hai rủi ro lớn nhất - Ảnh 3

Rủi ro lạm phát cao hơn trong quý 2/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cần thận trọng hơn khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư nợ ký quỹ toàn thị trường đang ở mức cao, gây áp lực khi thị trường điều chỉnh.

VnDirect cho biết bên cạnh cổ phiếu vốn hóa lớn, một số cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc các ngành thép, bất động sản, dịch vụ tài chính, dệt may và thủy sản sẽ thu hút dòng vốn trong tháng 6/2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate