Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành chứng khoán ngày 2/6, SSI Research dự báo VNIndex sẽ có thời điểm vượt 1.400 điểm trong năm 2021, và ước tính thận trọng VNIndex dao động xung quanh ngưỡng 1.400 điểm trong năm 2022.
Đối với nhóm chứng khoán, các công ty chứng khoán trong khu vực đang được giao dịch với P/E và P/B 4 quý gần nhất trung bình là 25,1x và 2,8x. So với khu vực, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x, thấp hơn khá nhiều. Do đó, cổ phiếu chứng khoán niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.
Các dự phóng về kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán 2021F và 2022F được dựa trên giả định thanh khoản thị trường đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên (gần với mức trung bình của quý 1/2021) trong cả năm 2021 và tăng 15% trong năm 2022 nhờ môi trường lãi suất thấp có thể tiếp tục kéo dài sang 2022 và tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Các công ty chứng khoán niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2021. Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, 31 trong tổng số 35 công ty chứng khoán niêm yết có lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2020.
Nguyên nhân chủ yếu do nền quý 1/2020 thấp do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 đến thị trường thời gian đó. Doanh số giao dịch tăng mạnh do có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường từ nửa cuối năm 2020 do mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sâu. Số dư cho vay ký quỹ tăng mạnh nhờ tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng trong tổng giao dịch. Doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư gia tăng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp. Thị trưởng tăng điểm mạnh giúp tăng thu nhập từ tự doanh.
Doanh số giao dịch toàn thị trường trong quý 1/2021 tăng trưởng mạnh 283% so với cùng kỳ lên mức 1,1 triệu tỷ đồng.
Trong nửa đầu quý 2 của 2021, doanh số giao dịch thị trường tăng 22% so với quý trước và tăng 306% so với cùng kỳ.
Các công ty chứng khoán lớn trong top đầu thị phần môi giới trên sàn HOSE đã tích cực triển khai nhiều giải pháp cạnh tranh và nhờ vậy thị phần môi giới tại HOSE đã có cải thiện so với quý 4/2020. Cụ thể VPS tăng 2,4%, SSI tăng 0,24%, HSC tăng 0,33% và VNDS tăng 0,18% so với Q4/2020. VCI và các CTCK nhỏ hơn trong Top 10 (trừ TCBS) bị mất thị phần.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán trong Top 4 đều tích cực triển khai số hóa vận hành, sản phẩm và kênh bán hàng nhằm tăng biên lợi nhuận. Ngoài ra, các công ty đều đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư như: trái phiếu doanh nghiệp, sản phẩm cấu trúc liên quan đến tiền gửi ngắn hạn, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ quỹ mở, v.v.
Về kế hoạch tăng vốn, cuối quý 1/2021, tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ so với vốn chủ sở hữu của HSC đã tăng lên mức 1,86x, của VND ở mức 1,34x, gần mức trần 2,0x theo quy định. Đồng thời, dư địa phát triển mảng cho vay doanh nghiệp với tài sản đảm bảo là cổ phiếu còn lớn. Do đó, các công ty lớn đều lên kế hoạch tăng vốn tổng cộng 6.443 tỷ đồng từ phát hành mới trong năm 2021.