June 20, 2024 | 15:09 GMT+7

Nhịn ăn gián đoạn: Trào lưu lợi hay hại?

Hoài Phương -

Một số khách sạn ở Nhật Bản mới đây đã thu hút sự chú ý khi phục vụ những vị khách muốn “nhịn ăn lành mạnh” trong một khung cảnh thoải mái và được giám sát như một hình thức tự chăm sóc bản thân…

Ảnh: Live Science
Ảnh: Live Science

Khách hàng phải trả tới gần 2.500 USD cho dịch vụ nhịn ăn tại khách sạn và có người đã giảm được 3kg trong 3 ngày. Chẳng hạn, Kahala Hotel & Resort ở Yokohama bắt đầu cung cấp các gói dịch vụ này từ tháng 1/2024. Đối với một cặp du khách ở chung phòng, thời gian lưu trú trong 3 ngày 2 đêm, chi phí sẽ dao động từ 136.620 - 389.620 yen (tương đương 875 USD đến 2.495 USD).

Khách hàng sử dụng dịch vụ nhịn ăn của Kahala được chỉ định một “người quản lý nhịn ăn” được cấp phép, người sẽ cung cấp hỗ trợ để đảm bảo quy trình an toàn cũng như thời gian để tư vấn. Còn tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak chia sẻ với giới truyền thông rằng ông giữ hình thể bằng cách kiêng rượu, tuân thủ chế độ ăn kiêng kiểu nhà sư, tức là nhịn ăn từ tối Chủ nhật đến sáng thứ Ba hàng tuần. Để cân bằng lại, ông thưởng thức các món ngọt vào những ngày còn lại.

Chế độ nhịn ăn gián đoạn được lấy cảm hứng từ các nhà sư, người thường xuyên nhịn ăn để củng cố tinh thần quyết tâm và khả năng tự chủ. Chuyên gia dinh dưỡng Sally Poon Shi-po, người sáng lập công ty tư vấn dinh dưỡng Personal Dietitian, cho biết suốt thời gian nhịn ăn, cơ thể sử dụng glycogen - một dạng glucose dự trữ phức tạp có nguồn gốc từ carbohydrate - làm nguồn năng lượng đầu tiên. Lượng dự trữ bắt đầu giảm trong vòng 24 đến 36 giờ. "Khi lượng glycogen dự trữ cạn kiệt, cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis, đốt cháy chất béo làm nhiên liệu, tạo ra thể ketone như một nguồn năng lượng thay thế", bà giải thích.

Chế độ nhịn ăn gián đoạn được lấy cảm hứng từ các nhà sư, người thường xuyên nhịn ăn để củng cố tinh thần quyết tâm và khả năng tự chủ.
Chế độ nhịn ăn gián đoạn được lấy cảm hứng từ các nhà sư, người thường xuyên nhịn ăn để củng cố tinh thần quyết tâm và khả năng tự chủ.

Nhịn ăn gián đoạn, bao gồm việc ăn trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ và nhịn ăn trong 16 đến 18 giờ còn lại, đã ngày càng phổ biến trong 10 năm qua. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng này có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, hạ huyết áp và tăng cường năng lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu không thực hiện đúng cách hoặc có sự giám sát y tế, phương pháp nhịn ăn gián đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ở Chicago đầu năm nay, các nghiên cứu cho thấy những người nhịn ăn gián đoạn dưới 8 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gây tử vong cao hơn 91% so với những người ăn uống bình thường. Phân tích cho biết những người đã mắc bệnh tim mạch và chỉ ăn trong từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày cũng có nguy cơ tử vong do bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn 66%.

Phân tích do các nhà nghiên cứu từ Trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải ở Trung Quốc thực hiện. Tiến sĩ Victor Wenze Zhong, tác giả nghiên cứu, cho biết việc hạn chế thời gian ăn uống hằng ngày trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như 8 giờ mỗi ngày, đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây như một cách để giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch. "Tuy nhiên, những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của việc nhịn ăn gián đoạn, bao gồm nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào hoặc bệnh tim mạch, vẫn chưa được biết rõ", ông nói.

Nhịn ăn gián đoạn bao gồm việc ăn trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ và nhịn ăn trong 16 đến 18 giờ còn lại
Nhịn ăn gián đoạn bao gồm việc ăn trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ và nhịn ăn trong 16 đến 18 giờ còn lại

Tương tự, nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu từ Đại học Tennessee được thực hiện trên 24.000 người Mỹ trên 40 tuổi cho thấy, những người ăn 1 bữa/ngày có nguy cơ tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào cao hơn 30% so với những người ăn 3 bữa. Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Yangbo Suncho biết: "Vào thời điểm mà việc nhịn ăn gián đoạn được quảng cáo rộng rãi thì nghiên cứu của chúng tôi tiết lộ rằng, so với những người ăn 3 bữa/ngày, thì những người chỉ ăn 1 bữa có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 30% và nguy cơ tử vong do bệnh tim tăng 83%”.

Cụ thể, những người bỏ bữa sáng có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 40% so với những người ăn sáng, nhưng không có sự khác biệt về tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân. Tuy nhiên, những người bỏ bữa trưa hoặc bữa tối có nguy cơ tử vong cao hơn từ 12% - 16% vì bất kỳ lý do gì. Trong khi đó, những người ăn 3 bữa/ngày nhưng thời gian trung bình giữa 2 bữa ăn ít hơn 4 tiếng rưỡi có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 17% so với những người ăn 2 bữa cách nhau 5 giờ hoặc hơn.

Tại chương trình Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới cuối tháng 5 vừa qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, hệ tiêu hóa rất quan trọng với sức khỏe con người, chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối, phù hợp với từng cá thể là rất cần thiết. Trên thế giới có một số chế độ ăn khác nhau, tùy theo mục tiêu của người ăn. Tuy nhiên, khoa học về mặt dinh dưỡng vẫn khẳng định, mỗi con người đều phải cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất hàng ngày.

“Nghĩa là chúng ta phải ăn vào, tùy theo chiều cao, cân nặng, lao động, thể lực... mà xác định khẩu phần ăn theo bữa nhiều hay ít”, TS Dương nói. Nếu bỏ bữa, không ăn, theo ông Trần Thanh Dương, cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hóa ngược. Cụ thể, khi không ăn, cơ thể phải sử dụng các chất dự trữ trong cơ thể, chuyển hóa thành năng lượng để cơ thể sử dụng. Hậu quả của rối loạn chuyển hóa ngược sẽ gây ra nhiều biến chứng như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, cao huyết áp...

So với những người ăn 3 bữa/ngày, thì những người chỉ ăn 1 bữa có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 30%.
So với những người ăn 3 bữa/ngày, thì những người chỉ ăn 1 bữa có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 30%.

Viện trưởng Viện dinh dưỡng cũng cho hay, với mỗi cá nhân, các bác sĩ phải đánh giá thực trạng chiều cao và cân nặng của họ để đánh giá mức độ. Tuy nhiên, nguyên tắc chung được áp dụng là khẩu phần ăn của người thừa cân, béo phì phải giảm từ từ. Nếu giảm ăn đột ngột sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, giảm đường huyết. Việc điều chỉnh này kéo dài từ 1 đến 2 tháng, thậm chí tới 6 tháng để cơ thể thích nghi với việc giảm năng lượng, trở về ngưỡng bình thường.

Cảnh báo về nhược điểm của nhịn ăn gián đoạn, tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, khuyến cáo người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú, người bệnh tiểu đường đang dùng thuốc, người bị rối loạn co giật hoặc lao động nặng không nên nhịn ăn gián đoạn. Việc không ăn đủ calo mỗi ngày phù hợp với nhu cầu của bản thân có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, chuyên gia cảnh báo mọi người dễ tăng cân vì nhịn đói trong thời gian dài khiến họ ăn uống vô độ sau đó. Một số trường hợp có thể cảm thấy cáu kỉnh hay bị rối loạn tâm trạng vì lượng đường trong máu thấp. "Chọn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, cắt giảm lượng calo có kiểm soát, đồng thời ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và tập luyện thể thao đều đặn là những biện pháp giảm cân vẫn đảm bảo sức khỏe", bác sĩ Sơn nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate