December 21, 2024 | 16:46 GMT+7

Nhìn lại năm 2024: Ô tô nhập khẩu liên tục tràn về Việt Nam, sức ép lớn cho xe trong nước

Hoàng Lâm

Năm 2024 sắp qua đi là một bức tranh phức tạp của thị trường xe Việt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của xe nhập khẩu và sự sụt giảm của xe trong nước. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm trong bối cảnh khi ưu đãi thuế trước bạ đã hết hiệu lực sau 3 tháng, xe lắp ráp trong nước sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi bước sang năm 2025.

Nhìn lại năm 2024: Ô tô nhập khẩu liên tục tràn về Việt Nam, sức ép lớn cho xe trong nước - Ảnh 1

Doanh số xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong 11 tháng năm 2024 theo thống kê của VAMA. Nguồn: VAMA.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan mới công bố, trong tháng 11 vừa qua số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu tăng nhẹ 0,8% (tương ứng tăng 149 chiếc) so với lượng nhập của tháng trước.

Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 11 đạt 17.855 chiếc, với tổng kim ngạch đạt 375,9 triệu USD. So với tháng 10, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng trước đạt 17.706 chiếc với tổng kim ngạch đạt 374 triệu USD.

3 thị trường chính của xe nhập khẩu trong tháng 11 chủ yếu vẫn là: Indonesia 7.350 chiếc, tăng 8% so với tháng trước; Thái Lan 5.664 chiếc, giảm 17,2% và đặc biệt từ Trung Quốc với 3.769 chiếc, tăng tới 44%.

Ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống tiếp tục là dòng xe nhập khẩu nhiều nhất. Trong tháng 11, có 14.847 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 258 triệu USD, chiếm tới 83,2% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu. Nguồn gốc xuất xứ từ Indonesia với 7.350 chiếc, tăng 8% so với tháng trước; từ Thái Lan với 4.765 chiếc, giảm 18,8%; từ Trung Quốc với 1.717 chiếc, tăng 159%; từ Nhật Bản đạt 648 chiếc, giảm 34,6%...

Đáng chú ý thời điểm hết tháng 11 cũng sẽ là thời điểm kết thúc ưu đãi trước bạ cho xe trong nước. Từ ngày 1.12.2024, chính sách này sẽ kết thúc. Mức thu lệ phí trước bạ với ô tô quay trở lại mức quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 11/2024 cũng là tháng cuối cùng được ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước nên doanh số ghi nhận từ các thành viên thuộc VAMA đã thiết lập kỷ lục mới, tăng cao nhất từ đầu năm 2024 với doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10/2024 và tăng 58% so với tháng 11/2023.

Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.114 xe, tăng 19% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 19.086 xe, tăng 8% so với tháng trước.

Nhưng nhìn chung trong cả năm 2024 sau 11 tháng, xe lắp ráp liên tục chịu sức ép rất lớn từ xe nhập khẩu trong khoảng thời gian có thông tin giảm thuế trước bạ từ tháng 4/2024.

Hiện tại ở thị trường Việt Nam còn có làn sóng xe nhập khẩu Trung Quốc đang tràn vào mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay. Những cái thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam có thể nhắc tới như MG, Hồng Kỳ, Beijing, Haval, Lynk & Co, Haima, Wuling, Chery, BYD, GAC, GWM, Aion, Omoda & Jaecoo, Dongfeng, Geely…

Các hãng xe đến từ Trung Quốc đang phải chịu áp lực về thuế nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam. Tùy theo mẫu mã, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%. Trong khi các đối thủ đến từ các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan đang được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.

Thực tế các Hiệp định thương mại tự do như các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho ngành ô tô Việt Nam thông qua việc giảm thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng là thách thức lớn.

Đáng chú ý là Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) với cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Theo đó, ô tô con thuộc nhóm 87023 đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm về 0% sau 7 năm, còn linh kiện ô tô có thuế nhập khẩu từ 3 - 4% sẽ được cắt bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.

EVFTA vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt vì không chỉ tạo cơ hội cho việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam mà còn tạo cho xe lắp ráp xuất khẩu sang EU. Những chiếc ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng sẽ hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo quy định. Bên cạnh đó là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ xuống mức 0% (với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên) từ 1/1/2018. Theo đó, các mẫu ô tô được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia sẽ có thuế nhập khẩu giảm về 0% với những mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên. Tuy nhiên, thực tế các hãng xe trong nước gặp khó khăn trong xuất khẩu khi chưa đáp ứng được những yêu cầu trên.

Nhìn lại năm 2024: Ô tô nhập khẩu liên tục tràn về Việt Nam, sức ép lớn cho xe trong nước - Ảnh 2

Trong thời gian qua, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng đang mất lợi thế trước xe nhập khẩu, xu hướng này ngày càng trở nên rõ rệt hơn rất nhiều vào khoảng thời gian giữa năm 2024 khi các hãng xe nhập khẩu liên tục ra mắt các mẫu xe mới với nhiều mức giá hấp dẫn trong khi xe lắp ráp trong nước chững lại chờ ưu đãi thuế.

Trước đó, lượng xe tiêu thụ trong nước từ năm 2016 đến nay đã tăng gần gấp 2 lần, mặc dù vậy nhưng sản lượng xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ trong giai đoạn này ít thay đổi. Năm 2016 vẫn là năm mà số lượng xe sản xuất trong nước tiêu thụ đạt mức cao 228.439 chiếc. Cơ cấu tiêu thụ xe liên tục thay đổi trong mấy năm gần đây.

Nhưng từ chỗ thị trường xe chủ yếu là xe sản xuất, xe nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 25 - 28% thì đến năm 2019 xe nhập khẩu bắt đầu tăng vọt lên 42% và từ đó tỷ lệ xe nhập khẩu tăng đều qua các năm.

Năm 2022 lượng xe sản xuất trong nước giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 55% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường. Điều này cho thấy xe nhập khẩu đang chiếm ưu thế và sản xuất ô tô trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực.

Theo Dự thảo của Bộ Công Thương về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đến năm 2045, và những năm tiếp theo được xác định sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... và tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới... sẽ thay thế hoàn toàn 80,5% xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2050.

Mục tiêu được Bộ Công Thương vạch ra đối với việc tăng trưởng thị trường xe ô tô trong nước giai đoạn đến năm 2030 đạt tốc độ bình quân khoảng từ 14 - 16% /năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1.000.000 - 1.100.000 chiếc.

Trong đó, xe đến 9 chỗ khoảng 550.000 chiếc (chiếm 55%), từ 10 chỗ trở lên khoảng 50.000 chiếc (chiếm 5%), xe tải khoảng 350.000 chiếc (chiếm 35%), xe chuyên dụng khoảng 50.000 chiếc (chiếm 5%). Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác chiếm khoảng 18 - 22%.

Tổng sản lượng xe sản xuất và lắp ráp trong nước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt khoảng 600.000 - 700.000 chiếc vào năm 2030.

Có thể nói với mục tiêu đề ra là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, đứng trước cơ hội lớn nhưng ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn rất còn non trẻ và rất nhạy cảm trước những tác động. Đặc biệt khi ngoài lực lượng hùng hậu của xe nhập khẩu tiến vào còn là vấn đề mức giá cùng những ưu đãi liên tục được các hãng xe tung ra để kích cầu sẽ là áp lực không nhỏ cho xe trong nước. Rõ ràng, ưu đãi thuế trước bạ sẽ chỉ là giải pháp tạm thời, ngành ô tô Việt cần có các giải pháp hỗ trợ dài hạn, vững bền để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước đủ sức vươn lên đạt được mục tiêu nếu không muốn một bức tranh tràn ngập thị trường là các loại xe nhập khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate