November 15, 2021 | 18:48 GMT+7

Nhờ giá bất động sản tăng mạnh,Trung Quốc vượt Mỹ thành nước có tổng tài sản lớn nhất thế giới

Điệp Vũ -

Theo McKinsey, tổng tài sản ròng của thế giới đã tăng lên mức 514 nghìn tỷ USD vào năm 2020, từ mức 156 nghìn tỷ USD vào năm 2000...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tài sản trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua, với mức tăng mạnh nhất thuộc về Trung Quốc và nước này đã vượt qua Mỹ để giành lấy vị trí quốc gia có tổng tài sản lớn nhất thế giới.

Đây là thông tin đưa ra trong một nghiên cứu mới công bố của công ty tư vấn McKinsey & Co. về lượng tài sản toàn cầu. “Thế giới đang giàu hơn bao giờ hết”, chuyên gia Jan Mischke thuộc Viện McKinsey Global ở Zurich, Thuỵ Sỹ, nhận định với hãng tin Bloomberg.

Theo nghiên cứu trên, tổng tài sản ròng của thế giới đã tăng lên mức 514 nghìn tỷ USD vào năm 2020, từ mức 156 nghìn tỷ USD vào năm 2000.

Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 giá trị tài sản ròng tăng thêm. Tài sản ròng của Trung Quốc tăng 113 nghìn tỷ USD, lên mức 120 nghìn tỷ USD vào năm 2020 từ mức 7 nghìn tỷ USD vào năm 2000 – năm trước khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự kiện thúc đẩy sự nổi lên của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong cùng khoảng thời gian, tổng tài sản ròng của Mỹ tăng thêm 50 nghìn tỷ USD; của Nhật Bản tăng 3 nghìn tỷ USD; của Đức và Pháp tăng 14 nghìn tỷ USD mỗi nước; của Anh, Canada và Australia tăng 7 nghìn tỷ USD mỗi nước…

Tổng tài sản của Mỹ đạt 90 nghìn tỷ USD ở thời điểm năm 2020, tăng hơn gấp đôi trong 2 thập kỷ. Việc tài sản của Mỹ tăng chậm hơn của Trung Quốc được các chuyên gia của McKinsey giải thích là do tốc độ tăng giá bất động sản ở Mỹ chậm hơn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở cả Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn 2/3 tổng tài sản ròng đều nằm trong tay nhóm 10% hộ gia đình giàu nhất, và tỷ lệ nắm giữ tài sản của nhóm này ngày càng tăng lên - theo báo cáo.

McKinsey cho hay, 68% giá trị tài sản ròng toàn cầu đang tồn tại dưới dạng bất động sản. Ngoài ra, tài sản của thế giới còn bao gồm cơ sở hạ tầng, máy móc và trang thiết bị… và những tài sản vô hình như tài sản trí tuệ và bằng sáng chế.

Tài sản tài chính không được McKinsey đưa vào dữ liệu tài sản toàn cầu, vì các tài sản này bị cân bằng bởi các nghĩa vụ nợ. Chẳng hạn, trái phiếu doanh nghiệp do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ được cân bằng bởi nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư đó.

Sự gia tăng mạnh mẽ của tài sản toàn cầu trong 2 thập kỷ qua đã vượt qua mức tăng của tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu, và được đẩy mạnh bởi đà leo thang của giá nhà đất tại nhiều quốc gia trong môi trường lãi suất giảm sâu – theo McKinsey. Báo cáo phát hiện thấy rằng đặt trong tương quan so sánh với thu nhập, giá bất động sản toàn cầu đang cao hơn khoảng 50% mức bình quân dài hạn. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của sự bùng nổ giá trị tài sản của thế giới.

Giá bất động sản tăng cao có thể khiến việc sở hữu nhà vượt khỏi tầm tay của nhiều người và đặt ra nguy cơ khủng hoảng tài chính tương tự như khủng hoảng ở Mỹ hồi năm 2008 khi vỡ bong bóng bất động sản. Trung Quốc đang đối mặt rủi ro tương tự khi cuộc khủng hoảng thanh khoản ở công ty địa ốc khổng lồ China Evergrande đang có những dấu hiệu loang rộng trong ngành công nghiệp bất động sản của nước này.

Giải pháp lý tưởng cho vấn đề là tài sản của thế giới nên được rót vào những kênh đầu tư tạo ra năng suất và sản phẩm, giúp tăng GDP toàn cầu – theo báo cáo. Kịch bản tồi tệ nhất mà báo cáo đưa ra là khi giá tài sản lao dốc, cuốn phăng tới 1/3 giá trị tài sản ròng toàn cầu, đưa khối tài sản của thế giới về mức phù hợp hơn với thu nhập.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate