Bước ngoặt chính sách
Vào tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải” thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg. Ảnh: Nam Nguyễn.
Quyết định quan trọng này là chính sách đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu cụ thể là giảm khoảng 7,2% phần đóng góp của ngành giao thông vận tải vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam đạt được Mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Paris và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là một quá trình phức tạp, bao quát một hệ sinh thái đa ngành tập trung vào việc phát triển phương tiện công cộng chạy điện – bao gồm thúc đẩy hoạt động cung ứng và sản xuất EV, ưu đãi cho nhu cầu EV, triển khai mạng lưới trạm sạc EV, chuẩn bị để ngành điện thích ứng với hoạt động sạc EV và xây dựng các bộ kỹ năng cần thiết cho người lao động.
Theo WB, bước đầu tiên thiết yếu cho quá trình chuyển đổi này là thành lập một cơ quan liên chính phủ để lãnh đạo và điều phối các nỗ lực trong suốt quá trình chuyển đổi. Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò chủ trì trong các lĩnh vực được giao của mình tại cơ quan liên chính phủ này. Hiệu quả làm việc của cơ quan liên chính phủ này sẽ có tác động quyết định đến việc tối ưu hóa tốc độ và chi phí liên quan đến quá trình chuyển đổi.
Để đạt được mục tiêu về mức độ sử dụng EV, doanh số bán EV tại Việt Nam cần tăng từ mức hiện tại là 500.000 chiếc vào năm 2022 lên khoảng 1,5 triệu chiếc vào năm 2030 và 7,3 triệu chiếc vào năm 2050. Con số này tương ứng với nhu cầu thị trường đối với tất cả các loại EV là hơn 7 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2030 và 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031 – 2050.
Xe hai bánh vẫn đóng vai trò lớn
Trước năm 2035, xe hai bánh (2W, bao gồm xe máy và xe gắn máy) dự kiến vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, mặc dù nhu cầu tổng thể có xu hướng giảm. Điều kiện thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là sự gia tăng sử dụng xe điện 2 bánh (E-2W), như hiện trạng từ năm 2014 đến nay. Ảnh: Nam Nguyễn.
Việt Nam hiện là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, lượng xe điện 2 bánh chiếm 12% thị phần trong tổng doanh số bán 2W vào năm 2022. Việt Nam đã sẵn sàng cho việc nhanh chóng tăng tốc sử dụng E-2W trên quy mô lớn hơn nhiều. Thị trường cung ứng E-2W ở Việt Nam khá đa dạng và sôi động, với nhiều nhà cung cấp cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Mức độ đón nhận của người tiêu dùng đối với E-2W là khá cao, đặc biệt là ở thành thị. Ở một số phân khúc E-2W, chi phí mua xe và tổng chi phí sở hữu đã có thể cạnh tranh với 2W chạy xăng.
Để tiếp tục kích cầu đối với E-2W, các biện pháp can thiệp chính sách then chốt là cần thiết để: (i) cho phép người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính để vượt qua được phần chênh lệch giữa giá mua và giá trị thực vẫn gắn liền E-2W hiệu suất cao so với 2W chạy xăng, (ii) đưa ra các tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra để giải quyết mối quan ngại của người tiêu dùng về độ an toàn của E-2W, (iii) khuyến khích cung cấp E-2W sử dụng pin Li-ion, loại pin mang đến phạm vi hoạt động và công suất cần thiết cho người sử dụng E- 2W ở nông thôn, thay cho E-2W sử dụng pin axit chì, và (iv) triển khai các chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình loại bỏ các 2W chạy xăng đang lưu hành nhằm giải phóng thị trường cho E-2W mới.
Tùy thuộc vào tốc độ và quy mô triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan, quy mô thị trường E-2W sẽ đạt tổng cộng 12 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2035 để đạt mục tiêu, hoặc 16 triệu chiếc nếu theo quỹ đạo nhanh hơn, tương ứng với tỷ lệ 42% và 56% tổng doanh số bán 2W tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Kỷ nguyên mới của ô tô điện
Trong phân khúc ô tô con (PC), Việt Nam có cơ hội rất lớn để thoát ly khỏi xe ô tô chạy xăng và dầu diesel thông thường trong quá trình cơ giới hóa, chuyển sang kỷ nguyên của xe ô tô điện (E-PC). Mặc dù doanh số bán PC hằng năm ở Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 15% mỗi năm kể từ năm 2010, nhưng phải đến sau năm 2035 mới có thể vượt qua doanh số bán 2W. Điều này có nghĩa là sẽ mất thêm một thập kỷ nữa để PC thay thế 2W và trở thành lựa chọn phương tiện chủ đạo tại thị trường tiêu dùng Việt Nam. Trong giai đoạn này, giá xe E-PC sẽ ngày càng cạnh tranh hơn so với xe PC truyền thống do hiệu suất được cải tiến đáng kể.
Mặc dù sở hữu xe hơi vẫn là một điều xa xỉ đối với hầu hết người Việt Nam, nhưng E-PC đã là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho xe chạy xăng và dầu diesel đối với những người có đủ khả năng mua xe nói chung.
Khi VinFast, hãng sản xuất xe điện nội địa đầu tiên của Việt Nam, ra mắt các mẫu E-PC đầu tiên vào năm 2021, hãng đã ngay lập tức chiếm lĩnh hơn 14% tổng thị phần PC trong năm đó. Giá mua của một số mẫu E- PC phổ biến nhất của VinFast hiện đã ngang bằng với xe con truyền thống. Tổng chi phí sở hữu của các mẫu E-PC này trong 10 năm cũng giảm đến 27% nhờ tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi chuyển đổi từ xăng sang điện và nhu cầu bảo trì ít hơn.
Theo WB, Việt Nam nên hướng đến việc tăng sức hấp dẫn của E-PC đối với những người Việt khá giả hiện đang có nhu cầu mua ô tô, đồng thời tạo một môi trường thuận lợi để E-PC trở thành lựa chọn ưu tiên khi hầu hết người Việt đều có đủ khả năng mua chiếc xe đầu tiên của họ trong thập kỷ tới.
Biện pháp can thiệp chính sách quan trọng nhất là triển khai mạng lưới trạm sạc công cộng cho E-PC một cách có hệ thống. Tuy nhiên, việc này cần phải được lập kế hoạch cẩn thận để tiết kiệm chi phí, do tỷ lệ cơ giới hóa nói chung của PC và tỷ lệ sở hữu E-PC hiện đều ở mức thấp. Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng sạc có mục tiêu là điều cần thiết để tránh chi tiêu quá nhiều, trong khi đối tượng phục vụ còn ít.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2027, việc sử dụng E-PC sẽ tập trung vào các hộ gia đình có thu nhập cao tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi đề xuất lập kế hoạch cho mạng lưới trạm sạc công cộng để tối ưu hóa hiệu quả. Năm thành phố loại Đặc biệt sẽ được ưu tiên, bắt đầu từ các khu dân cư giá trị cao. Trong giai đoạn từ năm 2027 đến 2030, chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào việc mở rộng mạng lưới trạm sạc công cộng ở các khu vực ngoài đô thị. Sau năm 2030, trọng tâm sẽ chuyển từ việc mở rộng phạm vi địa lý sang tăng mật độ ở cả khu vực đô thị và ngoài đô thị để chuẩn bị cho việc sử dụng đại trà E-PC sau năm 2035, khi hầu hết người Việt đã có đủ khả năng sở hữu PC.
Tổng nhu cầu thị trường về E-PC để đạt được mục tiêu sẽ là khoảng 4 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2035, chiếm khoảng 43% tổng doanh số bán PC trong giai đoạn này. Nhu cầu về E-PC sẽ tăng vọt cùng với nhu cầu về PC nói chung sau năm 2035.
Trong giai đoạn 2036 – 2050, tổng nhu cầu về E-PC có thể đạt 51 triệu chiếc, chiếm 93% tổng doanh số bán PC trong giai đoạn này, để đạt được tỷ lệ thâm nhập 100% của EV vào năm 2050. Nếu tốc độ phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng ở khu vực ngoài đô thị được đẩy nhanh thì tỷ lệ thâm nhập của E-PC có thể tăng nhanh hơn, dẫn đến nhu cầu đối với E- PC sẽ tăng thêm hơn 2,8 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 –2035 và 3 triệu chiếc trong giai đoạn 2036 – 2050.