Nhiều đăng kiểm viên do vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 18/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, bị Cục Đăng kiểm Việt Nam mạnh tay đình chỉ hoạt động.
Cụ thể, đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định từ 1-3 tháng trong các trường hợp sau: (i) làm sai lệch kết quả kiểm định; (ii) không tuân thủ đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định".
ĐỒNG LOẠT ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG NHIỀU ĐĂNG KIỂM VIÊN
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa ban hành Quyết định đình chỉ tham gia hoạt động xe cơ giới đối với các đăng kiểm viên và toàn bộ Trung tâm đăng kiểm 66-02D, thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi, có địa chỉ tại số 123, Quốc lộ 80, ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với Trung tâm 66-02D trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 19/10. Đồng thời, đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 19/10 đối với các đăng kiểm viên của Trung tâm 66-02D gồm: Trần Thanh Nhã, Lê Tấn Tài và Nguyễn Thành Nguyễn.
Trung tâm đăng kiểm 66-02D bị đình chỉ hoạt động theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 139, quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới từ 1 - 3 tháng một trong các trường hợp sau:
(i) Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền;
(ii) Có từ 3 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục;
(iii) Có từ 2 lượt dây chuyền bị tạm đình chỉ trở lên trong thời gian 12 tháng liên tục;
(iv) Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị kiểm tra đã bị hư hỏng, không bảo đảm tính chính xác, chưa được kiểm tra, đánh giá theo quy định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và có hình thức xử lý theo hành vi, mức độ vi phạm của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân 66-02D và các đăng kiểm viên của trung tâm này sau khi có kết luận của cơ quan công an.
Trước đó, Công an huyện Châu Thành vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân 6602D.
Hiện Giám đốc Trung tâm 6602D và 3 đồng phạm bị tạm giữ hình sự để điều tra hành vi nhận hối lộ. Cơ quan chức năng cũng đang mở rộng điều tra vụ án.
Trước đó, trong ngày 17/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng ra các quyết định về việc tạm đình chỉ hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 2 tháng đối với đăng kiểm viên Phạm Xuân Thành thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-05D (địa chỉ tại 370/2A Võ Nguyên Giáp, Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai) và đình chỉ 3 tháng hoạt động đối với đăng kiểm viên Võ Dũng thuộc Chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới 61 - 03S (phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), do vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định số 139.
NGHIÊM CẤM NHỮNG HÀNH VI TIÊU CỰC
Cùng với đó, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông vận tải và phòng ngừa các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng vừa ban hành văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm trong cả nước.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định, hành vi trên vi phạm pháp luật nghiêm trọng và vi phạm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc phòng chống các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện tham gia giao thông.
Đặc biệt, "gây mất niềm tin của xã hội, ảnh hưởng đến uy tín và nỗ lực của toàn thể đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong các đơn vị đăng kiểm đang cố gắng xây dựng lĩnh vực đăng kiểm văn minh, hiện đại, đề cao trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp", Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.
Qua đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong các đơn vị đăng kiểm thực hiện ngay những nội dung cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông vận tải, công tác phòng chống hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm định; siết chặt hơn nữa việc thực hiện đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, quy trình, quy định trong hoạt động kiểm định.
Thứ hai, thực hiện việc kiểm định đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiên quyết không cấp giấy chứng nhận cho những phương tiện không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông.
"Khi kiểm định phương tiện, đơn vị phải kiểm tra đầy đủ các hạng mục kiểm tra theo quy định, không được kết luận và thông báo cho khách hàng về việc phương tiện không đạt tiêu chuẩn khi chưa thực hiện kiểm tra đầy đủ các hạng mục theo quy trình, quy định", Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu.
Đối với trường hợp phương tiện không đạt tiêu chuẩn, lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm phân công cán bộ có trình độ giải thích rõ ràng, đầy đủ và hướng dẫn khách hàng sửa chữa, khắc phục để kiểm định lại.
Thứ ba, nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, làm sai lệch kết quả kiểm định; không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; không công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị theo quy định; không thực hiện kiểm định phương tiện theo đúng thẩm quyền được giao; sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không có đủ điều kiện theo quy định.
Cùng với đó, nghiêm cấm thực hiện kiểm định mà không bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ kiểm định, bảo hộ lao động theo quy định; không bố trí đủ số lượng đăng kiểm viên tối thiểu trên dây chuyền kiểm định; thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định vượt quá số lượng phương tiện theo quy định đối với mỗi dây chuyền kiểm định; thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị, dụng cụ kiểm định chưa được xác nhận hoặc xác nhận không còn hiệu lực để bảo đảm tính chính xác theo quy định.
Hay cấm thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị, dụng cụ kiểm định bị hư hỏng không bảo đảm tính chính xác theo quy định; không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát quá trình kiểm định, kết quả kiểm định theo quy định; không lưu trữ dữ liệu kiểm định theo quy định.
Thứ tư, lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong đơn vị phải có thái độ lịch sự, đúng mực. Những trường hợp phức tạp, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp gặp khách hàng để giải quyết trên tinh thần tuân thủ pháp luật và vì nhân dân phục vụ.
Cuối cùng, văn bản yêu cầu các đơn vị đăng kiểm cần tích cực trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng khi có yêu cầu; cử đăng kiểm viên có trình độ tham gia, phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát tại địa phương để rà soát, kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông nhằm phát hiện, ngăn ngừa những phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, phương tiện quá hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông.
Thống kê năm 2018 cho thấy toàn quốc chỉ có 172 trung tâm đăng kiểm nhưng chỉ sau gần 4 năm khi Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực đi vào thực thi từ năm 2019, số lượng trung tâm đăng kiểm tăng thêm 107 trung tâm, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp và cá nhân đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập, đáng lo ngại nhất gần đây xuất hiện những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí là tiêu cực, khiến Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm đình chỉ hoạt động của đăng kiểm viên và tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm.