Việc sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đầu năm 2022 giúp hàng không trở thành một trong những ngành hưởng lợi đầu tiên. Thị trường nội địa tăng trưởng mạnh từ cuối quý 1/2022 và cao điểm hè phục hồi hoàn toàn. Việc hồi phục một phần các đường bay quốc tế đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hàng không dần trở lại “đường băng”.
Đáng mừng hơn, từ đầu năm mới 2023, thị trường hàng không quốc tế đón nhận tín hiệu khởi sắc từ thông tin thị trường truyền thống lớn của Việt Nam là Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa từ ngày 8/1 sau 3 năm đóng cửa do dịch Covid-19.
VƯỢT XA KẾ HOẠCH ĐẶT RA
Tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang nắm quyền quản lý, khai thác 21 sân bay của cả nước, cho biết Tổng công ty đã hoàn thành và vượt xa các chỉ tiêu đặt ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022.
Trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tình hình kinh tế thế giới, khu vực chịu nhiều biến động, lạm phát ở mức cao, song thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn từng bước phục hồi về tần suất, mạng đường bay, sản lượng. Riêng thị trường nội địa bắt đầu tăng trưởng mạnh từ cuối quý 1, thậm chí giai đoạn cao điểm hè vượt hơn 30% so với thời kỳ trước dịch.
Ước tính tổng lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV quản lý đạt 99 triệu lượt khách, tăng 122% so với kế hoạch, tăng 228% so với cùng kỳ 2021 và tương đương 85% lượng khách năm 2019, giai đoạn chưa bùng phát đại dịch.
Trong đó, khách quốc tế là 12 triệu lượt khách, đạt 193% kế hoạch, gấp gần 23 lần năm 2021; khách nội địa là 87 triệu lượt khách, đạt 116% kế hoạch năm, tăng 194% năm 2021.
ACV cũng đảm bảo an toàn hạ cất cánh 658 nghìn lượt chuyến bay, tăng 114% so với kế hoạch và tăng 125% so với năm 2021.
Với việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác, các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV đều tăng cao. So sánh với cùng kỳ năm 2021, tổng doanh thu ACV ước đạt 15.381 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch năm, tăng gấp 2 lần; tổng chi phí ước đạt 7.819 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm, tăng 25%. Nhờ doanh thu hồi phục mạnh, lợi nhuận trước thuế ACV đạt 295% kế hoạch năm và tăng bùng nổ gần 10 lần so với năm 2021 ở mức 7.561 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1.548 tỷ đồng...
Các chỉ số trên cho thấy ACV phục hồi gần như toàn bộ so với thời điểm trước đại dịch, riêng chỉ số sản lượng hành khách nội địa tăng 21% so thời điểm trước dịch. Đây là một trong các tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi toàn bộ trong năm 2023.
Cũng trong năm 2022, tình hình tài chính Vietnam Airlines được cải thiện, doanh thu quý sau cao hơn quý trước, các công ty thành viên đều kinh doanh có lãi.
Năm 2022 mới là năm đầu tiên của quá trình phục hồi, trong khi ảnh hưởng lớn ngoài mức dự báo trong 2 năm 2020-2021 hiện vẫn để lại những di chứng nặng nề với tình hình tài chính của tổng công ty. Cùng với đó, những biến động chính trị khó lường, giá nhiên liệu tăng kỷ lục, sức ép tỷ giá dâng cao…
Tuy nhiên, tổng công ty chủ động tìm mọi cách cắt giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm mọi cơ hội tăng doanh thu, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị để giảm lỗ.
Theo đó, năm 2022, Tổng công ty ước thực hiện vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, đạt 107,8% kế hoạch và 211,9 nghìn tấn hàng hóa, doanh thu đạt 72.359 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch, trong đó công ty mẹ đạt 50.617 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch.
Nhiều giải pháp tự thân về cắt giảm chi phí được triển khai, tương đương gần 4.300 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ giảm lỗ vỏn vẹn gần 70 tỷ đồng, ghi nhận thua lỗ năm thứ ba liên tiếp.
NÂNG CẤP HẠ TẦNG, ĐÓN ĐẦU PHỤC HỒI
Năm 2022, các dự án nâng cấp hạ tầng cảng hàng không được triển khai đồng loạt.
Trong 6 dự án trọng điểm ACV triển khai có 2 dự án thuộc dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, đó là: dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; dự án xây dựng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên; dự án xây dựng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
“Tổng số tổng mức đầu tư cho các dự án này giai đoạn 2021 - 2025 vượt con số 110.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay, nhằm bổ sung thêm công suất hơn 50 triệu hành khách/năm cho toàn bộ hệ thống cảng hàng không trên cả nước do ACV quản lý, khai thác”, lãnh đạo ACV cho biết...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 2 phát hành ngày 09-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam