Những con phố mua sắm lớn bậc nhất thế giới, nơi đặt các cửa hàng flagship của các thương hiệu xa xỉ, cũng chịu nhiều anh hưởng. Theo khảo sát mới nhất của Cushman & Wakefield, một công ty bất động sản, Hong Kong vừa mất vị trí là khu mua sắm xa hoa nhất thế giới vào tay New York trong bối cảnh kinh tế suy thoái và lượng du khách quốc tế liên tục giảm sút do Covid-19. Đại lộ số 5 ở trung tâm Manhattan (Mỹ) sẽ thay thế “ngôi vương” của Tsim Sha Tsui trên bảng xếp hạng top 10. Đứng thứ ba là Via Montenapoleone ở Milan (Italy), SCMP đưa tin.
Khu phố sầm uất bậc nhất xứ Cảng Thơm chứng kiến chi phí thuê giảm 5% khi các nhà bán lẻ trong thành phố gặp khó khăn vì các lệnh hạn chế và lượng khách du lịch ít ỏi. Theo dữ liệu, giá mướn mặt bằng tại những địa điểm mua sắm khác của Hong Kong như Causeway Bay cũng giảm 7% trong năm qua và 49% so với năm 2019, xuống còn 1.292 USD/m2.
Trước tình hình đó, nhiều nơi đã ghi nhận sự thay đổi trong cơ cấu thương mại tại các địa điểm bán lẻ đắc địa. Chẳng hạn, Causeway Bay đã chuyển từ nơi dành cho hàng hóa cao cấp, sang trọng thành những mặt bằng phục vụ nhu cầu lối sống và chi tiêu địa phương. Nếu không có những biện pháp tích cực để lôi kéo khách hàng quay trở lại với mua sắm trực tiếp, nhiều nhà phân tích cho rằng có khả năng những con phố mua sắm từng nổi danh trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí là biến mất.
Sau khi đại dịch Covid-19 nổ ra. các chủ thương hiệu và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh, nhu cầu sắm sửa trực tiếp tại cửa hàng tụt giảm không phanh và nhiều người không gánh nổi chi phí duy trì hoạt động cho cửa hàng. Vốn dĩ, mua sắm là một hoạt động giúp gia tăng tương tác xã hội, cho khách du lịch, dân địa phương và cho gia đình, nhóm bạn bè, và tất nhiên sẽ luôn có những người muốn thử đồ trước khi mua hàng. Tuy nhiên, khi đối diện với nhiều bất cập của bối cảnh hậu đại dịch, không ít chủ thương hiệu đành chọn cách tập trung triệt để vào việc bán hàng trên mạng, hoặc tham gia vào các sàn thương mại điện tử phổ biến.
Ví dụ điển hình là cửa hàng nổi tiếng “La Maroquinerie Parisienne” chuyên bán đồ da và các phụ kiện thời trang cao cấp tại Paris, sau hơn 70 năm hoạt động, đã tuyên bố đóng cửa luôn vào cuối năm 2020. Hay thương hiệu Burberry lâu đời của Anh cũng thông báo đóng cửa 38 cửa hiệu trong số 300 địa điểm kinh doanh trên thế giới. Những hãng bán lẻ như Debenhams đưa ra kế hoạch dần đóng cửa 10 trên 176 cửa hàng của họ tại Anh cho tới năm 2022, vì sự gia tăng của những đơn hàng thông qua các nền tảng mua sắm online trên điện thoại.
Điều này phản ánh rõ rệt sự thay đổi mà nhiều hãng bán lẻ lớn buộc phải triển khai để kịp thích nghi với tình trạng chung của cả ngành công nghiệp thời trang, cũng như “lập trình” lại bảng phân bố cửa hàng của họ. Nhiều thương hiệu cao cấp đã tiên phong đi đầu trong việc lôi kéo khách hàng bằng cách đầu tư, bày trí, quảng bá cho những cửa hàng tại các trung tâm mua sắm lớn. Đơn cử như Louis Vuitton đã mở hẳn một cửa hàng mới tại Beverly Hills vào tháng 7/2022, đánh dấu cột mốc của nhà mốt lớn dành riêng cho tập khách hàng nam giới.
Không chỉ vậy, các thương hiệu có tuổi đời trẻ hơn cũng tập trung xây dựng cửa hàng như một địa điểm giao lưu phong cách giữa nhà thiết kế, bản sắc thương hiệu và khách hàng. Các cửa hàng trước đây của Jacquemus ở Milan và Paris - một mang màu trắng và một được bao phủ bởi màu hồng – đều rất phổ biến trên mạng xã hội. Le Bleu, nằm trong không gian bán lẻ sáng tạo của khách sạn Selfridges, được gọi là The Corner Shop, cũng được kỳ vọng không chỉ mang đến trải nghiệm mua sắm hoàn hảo mà còn tạo nên những nội dung tương tác thú vị trên Instagram và TikTok.
Jacquemus cũng đã tiếp quản Selfridges Mews, nằm ngay phía sau cửa hàng bách hóa tại Oxford Street, và đặt ở đó máy bán hàng tự động 24/24 để bạn có thể mua các loại túi Chiquiot và Bambino bày sau lớp cửa kính. Còn bên trong Khách sạn Old Selfridges, có một không gian được đặt tên là "Le Vestiaire", mang đến "cảm giác khám phá và phấn khích" cho khách hàng. Le Vestiaire là tựa đề của một trải nghiệm nhập vai đưa khách hàng qua cách diễn giải theo chủ nghĩa siêu thực về một hồ bơi và các phòng tắm hay phòng thay đồ với cảm giác 3D.
Theo chuyên gia phân tích thị trường của British Retail, trong khi thương mại điện tử đang tăng tốc để cung cấp trải nghiệm đa tầng cho khách hàng và thương hiệu, thì các cửa hàng truyền thống cũng phải trở thành không gian vật lý cho những khoảnh khắc phi thường, nhạy cảm. Các thương hiệu buộc phải suy nghĩ lại không chỉ về hình thức, vị trí và tính lâu dài của các cửa hàng mà còn phải đặt ra câu hỏi làm thế nào để đo lường giá trị của thương hiệu khi giờ đây không thể sử dụng doanh số bán hàng như một thước đo duy nhất của thành công nữa. Nó đòi hỏi các thương hiệu phải tạo ra một trải nghiệm đủ thu hút, đôi khi không cần có sự hiện diện của hàng hóa, mà ưu tiên cảm giác tận hưởng.
Mua sắm tại các cửa hàng là cách để người tiêu dùng hưởng cảm giác giao tiếp, được trải nghiệm "dạo phố" - điều mua sắm online không thể có. Những trải nghiệm thú vị, tính tương tác tại cửa hàng dành cho khách mua có tác dụng kỳ diệu giúp đẩy doanh thu lên cao. Khách càng lưu lại cửa hàng lâu, họ sẵn lòng trút hầu bao càng nhiều.
Chính vì thế mà trong nhiều năm tới, có lẽ chúng ta vẫn còn được nhìn thấy các con phố mua sắm trong trạng thái hoạt động sôi nổi và thậm chí “không ngủ”. Tuy nhiên, cũng sẽ không tránh khỏi việc phải nói lời tạm biệt với nhiều con đường mua sắm quen thuộc, nhưng với ngành công nghiệp biến đổi liên tục như thời trang, sẽ luôn có cách để các thương hiệu mở ra một chương mới. Liệu có thể chuyển mình và thích nghi với thời cuộc hay không, sẽ là bài toán mà nhiều nhà bán lẻ phải tìm ra lời giải.