“Rất mong Diễn đàn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà khoa học, trẻ, độc lập, kể cả những nhà khoa học đang nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài”, TS. Lê Đăng Doanh trao đổi với VnEconomy, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 sẽ bắt đầu vào sáng 21/4.
7h sáng 20/4, cùng với hàng trăm khách mời của Diễn đàn, nguyên Viện trường Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh lên ôtô từ Hà Nội vào thành phố Vinh (Nghệ An), nơi tổ chức sự kiện.
Với trải nghiệm của một diễn giả quanh năm “đắt hàng”, ông Doanh hơn một lần nhận xét rằng, Diễn đàn Kinh tế của Ủy ban Kinh tế Quốc hội được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu trước hai kỳ họp của Quốc hội chính là diễn đàn quan trọng nhất, có uy tín nhất hiện nay, trong hàng ngàn hội thảo, diễn đàn lớn nhỏ được tổ chức hàng năm trong cả nước.
Bởi, “điểm nổi bật của Diễn đàn là luôn bám sát những chủ đề nóng bỏng của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, luôn tập hợp những nhà khoa học có uy tín, được chuẩn bị chu đáo và dân chủ, tôn trọng những ý kiến trung thực, thẳng thắn với mục đích xây dựng, vì lợi ích đất nước”, ông Doanh nhận xét.
Vẫn theo vị chuyên gia này thì nhiều nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao nội dung khoa học, thực tiễn của Diễn đàn.
Bên cạnh mong muốn Diễn đàn tiếp tục thu hút thêm các nhà khoa học, trẻ, độc lập ở trong nước, ông Lê Đăng Doanh còn mong gặp ở đây cả những nhà khoa học đang nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài như GS. Trần Văn Thọ, TS. Vũ Minh Khương, TS. Vũ Quang Việt…
Mong muốn tập hợp được nhiều hơn các nhà nghiên cứu trẻ mạnh về định lượng cũng là thông tin được Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ với báo chí trước thềm Diễn đàn.
Trẻ, nếu được tính ở tầm độ tuổi trên dưới 50 một chút thì cũng đã có một số diễn giả khá quen thuộc với Diễn đàn như Nguyễn Xuân Thành, Huỳnh Thế Du, Đinh Tuấn Minh, Đỗ Thiên Anh Tuấn…
Những góc nhìn mới mẻ luôn là điều được chờ đợi từ phía họ và ít nhiều họ cũng đã làm được điều này.
Nhưng, được đặt hàng trình bày các tham luận mang tính đề dẫn tại các diễn đàn thường là các vị không còn trẻ.
Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên vẫn là diễn giả chính của phiên thứ nhất, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2014 - Đánh giá bổ sung và những vấn đề đáng lưu ý của năm 2014”.
Bài viết này, trên cơ sở tổng kết diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, có mục đích đánh giá đúng tình hình kinh tế, đồng thời đề xuất thêm các kiến nghị chính sách để kinh tế Việt Nam có thể đạt được các chỉ tiêu chủ yếu trong nghị quyết của Quốc hội, theo “đặt hàng” của ban tổ chức Diễn đàn.
Được mời phản biện ngay sau phần trình bày của Viện trưởng Thiên vẫn là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.
Và phiên tiếp theo của Diễn đàn vẫn bắt đầu với phần trình bày của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM về quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.
Khá nhiều danh tính của các vị chuyên gia, đại biểu Quốc hội quen thuộc cũng lần lượt xuất hiện trong kịch bản của diễn đàn: TS. Trần Du Lịch, TS. Bùi Trinh, TS. Võ Trí Thành, TS. Bùi Tất Thắng, TS. Đặng Kim Sơn…
Riêng TS. Lê Đăng Doanh, như mọi diễn đàn khác, ông lại chọn một vấn đề khá gai góc cho tham luận của mình.
Môi trường đầu tư kinh doanh và tác động của hiện tượng tham nhũng và các chi phí phi chính thức là lựa chọn lần này của ông.
Tham luận của ông Doanh sẽ bóc tách và phân tích những tác động từ tham nhũng và việc phải chi trả các chi phí phi chính thức đối với môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thông qua các chỉ số liên quan, ban tổ chức Diễn đàn cho biết.
Đáng chú ý, với chủ đề thúc đẩy hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, Diễn đàn còn có góc nhìn của các tổ chức quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện JICA, đại diện Eurocham, Amcham tại Việt Nam.
VnEconomy sẽ cập nhật thông tin từ nhiều góc cạnh về Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, bắt đầu từ sáng 21/4.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate