Thị trường chứng khoán những tháng đầu năm 2021 giao dịch tích cực với thanh khoản mỗi phiên lên cả tỷ USD khi dòng tiền trong nước đổ dồn vào. VN-Index liên tiếp cán đỉnh lịch sử và tăng mạnh hơn 20% so với thời điểm đầu năm.
Để làm nên kỳ tích này chắc chắc phải có sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, bluechips và cả kể nhóm midcaps, penny. Tuy nhiên, trong không khi sôi động của thị trường, nhiều cổ phiếu từng được xem là ngôi sao sáng nay bỗng chốc vụt tắt…
"ÔNG LỚN" SAB và VNM - THỜI HUY HOÀNG CÒN ĐÂU?
Lịch sử huy hoàng của cổ phiếu SAB (Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) là thời điểm đầu tháng 12/2017, SAB đạt đỉnh mức giá có lúc lên đến 323.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường. Thậm chí SAB còn có thể xoay chuyển cả VN-Index chỉ với 10 cổ. Đây chính là thời điểm tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD thông qua công ty con để mua vào 343,66 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, nắm giữ tỉ lệ 53,59% cổ phần tại Sabeco.
Ngay sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu SAB đã quay đầu giảm. Đến phiên giao dịch đầu năm 2018, SAB rơi xuống còn 235.000 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 27% so với lúc tỷ phú Thái Lan mua vào.
Những tháng ngày sau đó, do chịu ảnh hưởng cùng lúc của Nghị định 100 phòng chống tác hại rượu bia cùng với Covid 19, lũ lụt đã khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, bên cạnh đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành đã khiến doanh thu và lợi nhuận của Sabeco không còn bùng nổ như trước, giá cổ phiếu SAB cũng vụt tắt theo thời gian.
Phiên giao dịch hôm nay 12/5, SAB được mua bán xung quanh mức giá 151.000 đồng/cổ phiếu, giảm 25% so với thời điểm đầu năm và giảm 53% từ vùng đỉnh bất chấp kết quả kinh doanh quý 1 hồi phục và tăng trưởng.
Quý 1/2021, doanh thu thuần SAB 5.861 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 986 tỷ đồng, tăng 37,5%. Năm 2021, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 33.491 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế gần 5.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020. Kế hoạch trả cổ tức 35% tiền mặt.
Cũng đúng vào thời điểm SAB đạt đỉnh hơn 323.000 đồng thì cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam đặc biệt tăng mạnh, đạt đỉnh ở mức 134.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 5/1/2018 sau khi SCIC thoái vốn và quỹ ngoại đổ xô đăng ký mua vào.
Lịch sử VNM chứng minh vị thế công ty sữa đầu ngành lớn nhất Việt Nam với mức tăng trưởng vượt trội giai đoạn 2005 - 2017, cứ năm sau lợi nhuận mạnh so với năm trước. Từ năm 2017, VNM đã đặt mục tiêu đến năm 2021, doanh nghiệp doanh thu 80.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VNM đã chậm lại, gần như đứng yên một chỗ khiến nhà đầu tư thất vọng. Sang năm 2021, VNM đặt mục tiêu doanh thu lợi nhuận đi ngang doanh thu năm 2021 trên 62.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với thực hiện trong 2020 và khá thấp so với mục tiêu đặt ra từ những năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến giữ yên ở mức 11.200 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu VNM sau khi đạt đỉnh hơn 134.000 đồng đã liên tục giảm và thủng đáy có lúc xuống mức 70.000 đồng giữa tháng 3/2021. Chốt phiên hôm nay 12/5, thị giá VNM 92.000 đồng, giảm 31% kể từ lúc đạt đỉnh và giảm 31% kể từ đầu năm 2021.
Giá cổ phiếu VNM giảm bên cạnh lý do nhà đầu tư thất vọng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, còn do động thái của khối ngoại gần đây liên tiếp bán ra VNM cũng khiến nhà đầu tư trong nước e ngại. Nếu như giai đoạn 2017, VNM là cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất thì năm 2021, VNM lại là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên thị trường. 4 tháng đầu năm 2021, khối ngoại tổng cộng đã bán ròng 1.400 tỷ đồng VNM. VNM cũng phải nhượng lại vị trí 4 top doanh nghiệp niêm yết vốn hoá lớn nhất cho HPG.
BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CỦA ÔNG HOÀNG XÂY DỰNG COTECCONS
Còn nhớ, năm 2017, VN-Index tăng tốc trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư, tương tự như VNM và SAB, CTD cũng là một trong những cái tên đạt nhiều thành tựu nhất thời điểm đó. Sau chuỗi ngày tăng không mệt mỏi, CTD đạt đỉnh 220.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/11/2017. Thế nhưng, sau khi đạt đỉnh, CTD bắt đầu hạ nhiệt. Bước sang năm 2018, cổ đông thất vọng khi CTD liên tục lao dốc. Dù sau nhiều phiên nỗ lực đi lên nhưng CTD chỉ dừng ở mức 226.000 đồng/cổ phiếu giảm mạnh so với “đỉnh” năm 2017.
Ở thời điểm hiện tại, thị giá CTD chỉ còn 59.000 đồng, giảm 161.000 đồng/cổ phiếu so với thời điểm đạt đỉnh năm 2017. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, CTD đã giảm 10%. CTD bị loại ra khỏi danh sách VN30 từ giữa năm 2020.
Không phải bỗng dưng cổ phiếu “tượng đài” như CTD lại bị nhà đầu tư quay lưng. CTD giảm do hoạt động kinh doanh liên tục sụt giảm sau khi đạt đỉnh tăng trưởng từ năm 2017. Đặc biệt, trong năm 2020, đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của Coteccons khi thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương chính thức rút lui sau 15 năm điều hành, nhường vị thế cho Kusto.
Năm 2020, CTD đã báo lãi sụt giảm mạnh còn 334 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2019. Riêng quý 1/2021, lợi nhuận CTD tiếp tục sụt giảm còn 54 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý 4/2020 và bằng một phần ba so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ban lãnh đạo CTD cho rằng, việc một số khách hàng chuyển sang nhà thầu khác chỉ là câu chuyện nhất thời trong thời gian qua. CTD đã ký được khoảng 10 hợp đồng gần đây (7 hợp đồng của CTD và 3 hợp đồng của Unicons) với tổng trị giá 2,500 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cổ phiếu CTD chưa có dấu hiệu phục hồi.
VJC MẤT ĐỘ CAO GIỮA BÃO COVID
VJC đạt đỉnh lịch sử tháng 3/2018 với mức giá có lúc lên đến 182.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản mỗi phiên 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tuy nhiên, cũng kể từ thời điểm đó, cổ phiếu VJC tuột dốc không phanh, giảm 30% với những phiên sàn liên tiếp 3 tháng sau đó. Năm 2019, thị giá VJC xung quanh mức 115.000 - 140.000 đồng/cổ phiếu. Và kể từ năm 2020, do tác động của đại dịch Covid 19 lên ngành du lịch và hàng không toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp, VJC có lúc sụt giảm xuống 96.000 đồng, giảm 31% so với cuối năm 2020 và giảm một nửa so với thời kỳ huy hoàng nhất.
Cuối năm 2020, VJC đã có nhiều phiên hồi phục nhưng sau đó lại quay đầu sụt giảm, chốt phiên 12/5/2021, thị giá VJC 119.000 đồng, chưa thể quay về với mức trước dịch.
Nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định lợi nhuận ngành hàng không có khả năng phục hồi, nhưng có thể vẫn ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021. Ước tính ngành này sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu khách đạt khoảng 34% mức trước Covid.
Hơn nữa, làn sóng Covid 19 lần thứ 4 đã quay lại tiếp tục đe doạ du lịch nội địa và quốc tế, hàng không vì thế cũng bị đánh giá là tiếp tục thấm đòn Covid cho đến khi Vaccin được kỳ vọng tiêm đầy đủ vào năm 2022.
BVH CỦA TẬP ĐOÀN BẢO VIỆT
Còn nhớ 2017, Tập đoàn Bảo Việt đã có một năm kinh doanh thắng lợi vẻ vang với lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ ngày niêm yết đạt 1.603 tỷ đồng, cổ phiếu BVH khi đó cũng đạt đỉnh với mức giá đóng cửa có lúc lên đến 105.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp trên, những năm sau lợi nhuận BVH sụt giảm dần, thị giá BVH cũng trồi sụt.
Từ đầu năm 2021 đến nay chỉ số VN-Index liên tục chinh phục mức đỉnh lịch sử, nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa liên tục nổi sóng, nhiều cổ phiếu trụ thăng hoa thì ngược BVH lại gần như bất động. Thị giá BVH hiện tại 56.800 đồng/cổ phiếu, giảm 43% so với đỉnh năm 2018 và giảm 8% kể từ đầu năm bất chấp lợi nhuận tăng trưởng mạnh 365% so với cùng kỳ đạt 498 tỷ đồng.
Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm mang tính chất bảo vệ trước rủi ro đối với cá nhân như bảo hiểm, tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành ngày càng trở nên gay gắt. Theo chứng khoán SSI Research, trong số 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, chỉ có BVH và PVI có thị phần giảm trong 9T2020.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào BVH giảm còn do sự bất lợi của doanh nghiệp trong môi trường lãi suất thấp. Môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. “Chúng tôi duy trì đánh giá Trung lập đối với lĩnh vực này vì động lực tăng trưởng quan trọng là lãi suất dự kiễn vẫn tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021”, SSI Research đánh giá về BVH.