Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chế độ an sinh nhằm bù đắp một phần cho người lao động khi bị mất việc làm, hoặc hỗ trợ người lao động học nghề để chuyển đổi mục đích nghề nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, không phải mọi lao động đều thuộc diện tham gia chính sách này, trong đó có nhóm lao động mới thử việc, chưa có giao kết hợp đồng lao động.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP BẮT BUỘC THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động, thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.
Như vậy, thời gian thử việc không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo các quy định trên.
SẼ MỞ RỘNG DIỆN BAO PHỦ CỦA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trước đây, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách bảo hiểm mang tính ngắn hạn, bắt buộc, tức là những người thuộc đối tượng tham gia, dù không muốn vẫn phải tham gia, và những người không thuộc đối tượng tham gia - dù có muốn tham gia cũng không được tham gia.
Tuy nhiên, Điều 43 Luật Việc làm có quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là những người có thực hiện giao kết hợp đồng lao động, làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng lao động, trả công cho người lao động thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những lao động thuộc loại hợp đồng theo quy định phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện nay theo quy định của Luật Việc làm chưa có hình thức tham gia tự nguyện với những người không thuộc đối tượng tham gia.
Đối với một số ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng tham gia, ông Tú cho rằng, muốn thay đổi chính sách, mở rộng đối tượng thì phải căn cứ vào thực tiễn quản lý, kinh nghiệm cụ thể trong quá trình thực hiện, tiến tới đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương là mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới.
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang xây dựng dự án Luật Việc làm sửa đổi, trong đóm tại dự thảo, Bộ đề xuất bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; cũng như bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nếu thực hiện được thì mọi người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã có hưởng lương và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm.
Tất cả người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ trong trường hợp gặp các “cú sốc” như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…
Theo quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động là bằng 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc. Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng. Người lao động đóng từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ thêm 12 tháng đóng thì được thêm 1 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng trợ cấp.
Người lao động trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt quan hệ lao động, nếu có nhu cầu thì nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại bất cứ Trung tâm Dịch vụ việc làm nào thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố.