April 25, 2023 | 12:11 GMT+7

Tìm giải pháp hạn chế trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Nhật Dương -

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “phao cứu sinh” hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi thất nghiệp và giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, do số lượng người thụ hưởng lớn, không thể tránh khỏi trường hợp hưởng trùng, thậm chí trục lợi quỹ…

Làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Luật, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.

SỐ NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TĂNG MẠNH

Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, số đối tượng tham gia và được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không ngừng tăng qua các năm. Tính đến cuối năm 2022, có 14,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18%.

Đối tượng bao phủ tăng kéo theo số người hưởng cũng tăng theo. Nếu như năm 2009 có hơn 5 triệu người tham gia, hơn 180.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì đến năm 2020, số người tham gia xấp xỉ 13 triệu người, số người hưởng là hơn 1 triệu. Năm 2020, số thu bảo hiểm thất nghiệp tiệm cận số chi bảo hiểm thất nghiệp.

Số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, với diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng, từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Số người được hưởng các chế độ tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp nên số người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng vọt so với các năm trước, dẫn đến có tình trạng trục lợi Quỹ.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, vẫn còn tình trạng một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, nghĩa là có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp một phần do Luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Ngoài ra, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Luật Việc làm chỉ quy định các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trái pháp luật không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, và một số trường hợp không cần báo trước với người sử dụng lao động, nên các trường hợp người lao động bị sa thải, tự ý bỏ việc không báo trước…vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Do đó, không phù hợp với mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm.

SẼ THU HỒI CÁC TRƯỜNG HỢP HƯỞNG TRÙNG 

Thông tin về tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian qua có một số trường hợp người lao động vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến việc hưởng trùng, đóng trùng, do đó với những khoản hưởng trùng sẽ bị thu hồi.

Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Theo quy định của pháp luật, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, có việc làm thì chấm dứt hưởng trợ cấp.

“Trước đây, chúng ta chấm dứt và hưởng một lần. Nhưng từ khi thực hiện Luật Việc làm thì đã có điều chỉnh. Vì đây là bảo hiểm rủi ro khi người lao động mất việc làm, thay vì giải quyết một lần để thuận lợi cho cơ quan thực hiện, bằng việc bảo lưu sẽ giúp người lao động có thời gian tích lũy để nếu có tiếp tục gặp rủi ro mất việc sẽ được hưởng tiếp”, ông Tú thông tin.

Theo ông Tú, trong giai đoạn đầu, một số người lao động không nắm rõ quy định, do năng lực quản lý có hạn, dữ liệu tham gia đóng bảo hiểm phân tán ở những địa phương khác nhau, không tập trung, thậm chí ngay ở Hà Nội dữ liệu cũng phân tán ở các quận huyện, chứ chưa tập trung ở bảo hiểm thành phố. Điều này dẫn đến việc người lao động tham gia hưởng ở quận này, nhưng làm việc ở quận khác, không nắm được vấn đề trùng đóng, trùng hưởng.

Tuy nhiên, hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung cơ sở dữ liệu tham gia bảo hiểm, thống nhất toàn quốc, nên trường hợp trùng đóng, trùng hưởng đã được hạn chế rất nhiều.

Đại diện phòng Bảo hiểm thất nghiệp cũng cho biết thêm, để hạn chế tình trạng trên, thời gian qua đơn vị này đã tăng cường thông tin tuyên truyền về quyền, trách nhiệm của người lao động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh trùng đóng, trùng hưởng, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương để phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý trách nhiệm.

Về xử lý vi phạm cũng đã có quy định đầy đủ. “Những hành vi vi phạm ở mức độ hành chính sẽ bị xử lý hành chính, vi phạm hình sự sẽ bị xử lý hình sự”, ông Tú thông tin.

Ở góc độ đơn trị trực tiếp hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thực tế chính sách bảo hiểm thất nghiệp chỉ bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp, còn khi đi làm, người lao động hưởng nguyên 100% lương, cùng các chế độ khác. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng giới hạn, tối đa không quá 12 tháng.

Do đó, trợ cấp thất nghiệp không bằng nguyên lương, thời gian hưởng tối đa một năm. Qua ghi nhận từ số lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Liễu cho biết, nhiều người lao động chia sẻ họ cũng mong muốn tìm công việc ổn định, có thu nhập hơn là tìm mọi cách để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Cốt lõi của bảo hiểm thất nghiệp là giúp cho người lao động bị mất việc sớm quay trở lại thị trường lao động, do đó cần có thêm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động để họ sớm quay lại thị trường lao động”, bà Liễu nhấn mạnh.

 

Để góp phần hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đề nghị sửa đổi Luật Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm thất nghiệp, quản lý đối tượng.

Đồng thời, bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng…

Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate