July 15, 2024 | 13:07 GMT+7

Những trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội sau 1/7/2025 vẫn được rút một lần

Nhật Dương -

Luật Bảo hiểm xã hội mới cho phép người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật có hiệu lực thi hành (1/7/2025), sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện, và đóng chưa đủ 20 năm, thì được nhận bảo hiểm một lần. Người bắt đầu tham gia sau ngày luật mới có hiệu lực sẽ không được nhận bảo hiểm một lần theo điều kiện này, và chỉ giải quyết hưởng chế độ một lần trong một số trường hợp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, trong đó quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

ĐIỀU KIỆN HƯỞNG LƯƠNG HƯU DỄ DÀNG HƠN

Sau khi luật được thông qua, thời gian qua, rất nhiều ý kiến người lao động băn khoăn sau thời điểm luật mới có hiệu lực, liệu có được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa hay không.

Phản hồi về những băn khoăn của người lao động, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh Nhà nước luôn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, ở lại hệ thống để thụ hưởng tối đa các quyền lợi, ổn định cuộc sống khi về già, tránh những bất lợi khi lĩnh bảo hiểm xã hội một lần.

Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội mới có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, như: Điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn, đó là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm.

Người lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng, và được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định, mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng, với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, đến thời điểm nghỉ hưu.

Theo ông Cường, thông tin cho rằng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới, từ ngày 1/7/2025 không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là không chính xác.

Theo quy định của luật mới, đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (tức 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Như vậy, đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật mới có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện này.

Tuy nhiên, luật mới vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp, gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu, mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư; đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.

Theo chuyên gia, ưu điểm của quy định này đã thể hiện lộ trình từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua. Đồng thời, tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

CÂN NHẮC KHI QUYẾT ĐỊNH RÚT MỘT LẦN ĐỂ ĐẢM BẢO AN SINH LÂU DÀI

Từ góc độ cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết theo ý kiến của cơ quan này, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần là “lợi trước mắt, hại lâu dài”.

Người lao động cân nhắc tiếp tục tham gia thị trường lao động để tích lũy thời gian đóng bảo hiểm. Ảnh minh họa: N.Dương.
Người lao động cân nhắc tiếp tục tham gia thị trường lao động để tích lũy thời gian đóng bảo hiểm. Ảnh minh họa: N.Dương.

Bởi lẽ, ngay khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần, toàn bộ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó của người lao động không được bảo lưu. Đồng thời, các quyền lợi cũng sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều, so với tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Cụ thể, khi được hưởng lương hưu, người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng. Mức lương hưu này luôn được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị. Trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết, với quyền lợi mức hưởng bảo hiểm y tế của người nghỉ hưu là 95%.

“Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình”, bà Nguyễn Thị Thúy nói.

Ngoài ra, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời, thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở, tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hằng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở/mức tham chiếu); hoặc trợ cấp tuất một lần.

Đặc biệt, với quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội mới, trường hợp người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, và có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đã được hưởng lương hưu, tức giảm 5 năm đóng bảo hiểm xã hội so với quy định hiện hành. Do đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội khuyến cáo người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate