October 10, 2024 | 09:07 GMT+7

Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững

Minh Nguyệt -

Theo một báo cáo gần đây của Coherent Market Insights, thị trường thời trang bền vững toàn cầu trị giá 7,8 tỷ USD vào năm 2023 đang trên đà phát triển nhanh chóng và dự đoán sẽ tăng vọt lên 33,05 tỷ USD vào năm 2030…

Mẫu áo khoác từ vải lên men của Balenciaga đã nhận giải Best Luxury Product 2023 của PETA.
Mẫu áo khoác từ vải lên men của Balenciaga đã nhận giải Best Luxury Product 2023 của PETA.

Phân khúc thị trường thời trang bền vững sẽ tập trung vào các vật liệu hữu cơ và sinh học, với các quy trình sản xuất không gây hại tới môi trường và nâng cao trách nhiệm của ngành thời trang. Tinh chế khí CO2, tái chế rác hoặc truy tìm những nguyên liệu mới thân thiện với môi trường… chỉ là một số những giải pháp mà các công ty đang chú trọng thực hiện để tạo ra sản phẩm thời trang tuần hoàn, bền vững.

Tại làng Costa de Pajaros, cách thủ đô của Costa Rica khoảng 100km về phía Tây, một hợp tác xã của phụ nữ đã tận dụng lượng da cá bị vứt bỏ trên bãi biển sau mỗi đợt chế biến để thuộc da. Quá trình xử lý bắt đầu với khâu sơ chế, chà xát da cá nhẹ nhàng giữa các ngón tay để loại bỏ vảy và phần thịt còn sót lại trước khi mang đi giặt bằng xà phòng, như giặt quần áo.

Sau đó, miếng da được nhuộm bằng glycerin, cồn và thuốc nhuộm tự nhiên, rồi phơi khô. Quá trình nhuộm mất 4 ngày, thêm 4 ngày để phơi khô dưới ánh nắng để tạo ra loại vải mềm, dẻo nhưng chắc chắn. Điều quan trọng là da cá đã qua xử lý không còn mùi tanh và không thấm nước.

Bà Marta Sosa (Hợp tác xã phụ nữ Piel Marina, Costa Rica) cho biết: "Da cá đã qua xử lý sẽ được chúng tôi sử dụng để làm đồ trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng đeo tay.... Chúng tôi cũng đang cân nhắc làm cả ví và túi xách thủ công". Một đôi hoa tai làm từ chất liệu đặc biệt này có giá khoảng 7 USD (tương đương 170 nghìn đồng). Sản phẩm của công xưởng làng chài còn được bán cho các nhà sản xuất dệt may quy mô nhỏ ở Costa Rica.

Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 1
Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 2
 
Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 3
Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 4
 

Đáng chú ý, Costa Rica không phải là quốc gia đầu tiên biết đến tiềm năng thương mại của ngành thuộc da cá. Trong khi da cá hồi từ lâu đã được người Ainu ở Nhật Bản và người Inuit ở miền Bắc Canada sử dụng để làm ủng và quần áo, thì trên bờ hồ Victoria ở Kenya giờ đây da cá rô phi địa phương đã được xử lý thành vật liệu để làm túi xách. Trong khi đó, công ty Nova Kaeru của Brazil cũng đã cung cấp mặt hàng da làm từ vảy của loài cá pirarucu khổng lồ có nguồn gốc từ Amazon. Trên các chợ trực tuyến, không khó để tìm được những chiếc túi da cá được bán với giá hàng trăm USD.

Tương tự, cũng từ các làng chài, nhiều nhà sản xuất quần áo, mỹ phẩm, đồ nội thất Nhật Bản đã đưa vỏ sò, vỏ hàu vào các sản phẩm của mình. Theo trang Nikkei Asia, nhà sản xuất quần áo Aoyama Trading đã ra mắt bộ sưu tập thời trang mùa xuân Sea Wool cho nữ giới với chất liệu làm từ vỏ hàu. Đặc biệt, những bộ vest, bao gồm áo khoác làm từ chất liệu này có giá 20.790 yên (3,3 triệu đồng), quần và váy, mỗi bộ có giá 9.900 yên (1,6 triệu đồng) - rẻ hơn khoảng 20% so với nhiều sản phẩm khác của Aoyama Trading.

Saya Takai, người phụ trách kế hoạch sản phẩm tại Aoyama Trading, cho biết: "Chúng tôi hy vọng những bộ đồ này sẽ kêu gọi được thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ môi trường". Vật liệu được cung cấp bởi công ty kinh doanh dệt may Takisada-Nagoya. Tại đây, họ sẽ nghiền vỏ hàu bằng công nghệ đặc biệt và dệt chúng thành sợi polyester. Vải thành phẩm là vật liệu mềm mại và co giãn, không nhăn và ngăn chặn tia cực tím, chứa 70% sợi polyester vỏ hàu và 30% len.

Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 5

Theo đại diện Takisada Nagoya, nhu cầu về vật liệu bền vững trong ngành thời trang đang tăng lên trên phạm vi toàn cầu. Vật liệu này có thể được ứng dụng trong nhiều sản phẩm khác nhau, từ túi tote đến hàng dệt may, đồ nội thất. Một số công ty mỹ phẩm tại Nhật Bản còn ứng dụng vỏ sò trong sản xuất các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp thiên nhiên. Chẳng hạn, công ty mỹ phẩm Shiro có trụ sở tại thủ đô Tokyo vừa cho ra mắt một số dòng mỹ phẩm có thành phần từ vỏ bào ngư. Trong khi đó, nhà cung cấp và chế biến sò điệp Yamajin ở tỉnh Aomori lại thu thập vỏ sò điệp thừa và biến chúng thành sơn móng tay. 

Trước đó, một công ty vật liệu sinh học Mexico phối hợp với hãng thời trang Đan Mạch Ganni tạo ra nguyên mẫu độc nhất vô nhị của một loại áo khoác làm từ cellulose vi khuẩn. Theo CNN, thay vì cố gắng tái tạo các đặc tính của da, chiếc áo được thiết kế để mang lại cảm giác như một chất liệu hoàn toàn mới. Dù được sản xuất bằng một số phương pháp xử lý da truyền thống, nhưng mẫu áo khoác mới để lại ít khí thải carbon hơn nhiều mà không ảnh hưởng đến độ bền và độ thoáng khí.

"Đây là chiếc áo khoác đầu tiên do một thương hiệu toàn cầu sản xuất từ nanocellulose vi khuẩn", Alexis Gómez-Ortigoza, nhà đồng sáng lập Polybion, cho biết. Để nuôi vi khuẩn, Polybion đã biến rác thải trái cây thành thức ăn cho vi khuẩn bằng cách thêm vào một công thức đặc biệt. Sau đó, vi khuẩn sẽ sinh sản và tạo ra mạng lưới nanocellulose như một phụ phẩm của quá trình trao đổi chất, chúng tôi sẽ thu hoạch nanocellulose sau hai tuần rồi chuyển tới giai đoạn thuộc da và hoàn thiện", Gómez-Ortigoza nói.

"Chúng tôi sử dụng thiết bị giống như các xưởng thuộc da động vật, nhưng không có crom hay bất cứ hóa chất độc hại nào. Đây là chất liệu hữu cơ nên mang lại cảm giác tự nhiên - nó thoáng khí và sẽ mòn dần theo cách tương tự da", Gómez-Ortigoza giải thích. Quá trình sản xuất chỉ tạo ra lượng khí thải bằng khoảng 1/4 các phương pháp sản xuất da "xanh" nhất. Tính cả lượng khí thải giảm được nhờ tận dụng rác thải trái cây, quá trình này trở thành âm carbon.

Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 6
Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 7
 
Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 8
Những vật liệu độc lạ mới của thế giới thời trang bền vững - Ảnh 9
 

Khi thời trang và công nghệ sinh học giao thoa, các thương hiệu xa xỉ cũng đua nhau cho ra mắt những thiết kế không chỉ đột phá mà còn tái định hình tương lai bền vững của ngành công nghiệp thời trang. Mới nhất, Balenciaga đã giới thiệu mẫu áo khoác da như trong phim “The Matrix”, nhưng thực tế được làm từ một loại vải vải lên men. Loại vải có nguồn gốc sinh học này được phát triển riêng cho Balenciaga bởi công ty Gozen có trụ sở tại San Francisco.

Mang tên Lunaform và mất hơn 2 năm để hoàn thiện, vải lên men giúp giảm thiểu dấu chân carbon của cả thương hiệu lẫn người mặc. Mặc dù đây chỉ là một bước tiến nhỏ đối với Balenciaga, thương hiệu vốn đã nổi tiếng với việc thử nghiệm các chất liệu mới (điển hình là vải Gazar do chính Cristobal Balenciaga sáng tạo), nhưng đây lại là một bước nhảy vọt cho thời trang bền vững. Balenciaga không phải là thương hiệu duy nhất kết hợp giữa thời trang, khoa học và sự phát triển bền vững, nhưng thương hiệu đang thiết lập một tiêu chuẩn mới trong ngành công nghiệp này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate