Hãng tin CNBC dẫn số liệu từ S&P Global Ratings cho biết nợ trực tiếp của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã vượt 120% thu ngân sách địa phương trong năm 2022. Đây là một mức nợ mà Bắc Kinh từng tuyên bố một cách không chính thức là không thể chấp nhận được.
“Các tỉnh thành đã phụ thuộc quá nhiều vào phát hành trái phiếu để vượt qua giai đoạn giảm tốc kinh tế do Covid và sự sụt giảm của thu ngân sách từ đất đai”, các nhà phân tích của S&P viết trong một báo cáo vào tháng trước.
TĂNG CHI GIẢM THU, CÁC ĐỊA PHƯƠNG NỢ CHỒNG CHẤT
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy mức nợ công khai của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm lên mức 35,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,14 nghìn tỷ USD, vào năm ngoái. Con số này chưa bao gồm các hạng mục liên quan và đang tăng mạnh khác, như các “phương tiện cấp vốn chính quyền địa phương” (LGFV) - cơ chế cho phép các địa phương vay ngân hàng để đầu tư vào các dự án hạ tầng.
Chính phủ Trung Quốc đang để ý đến vấn đề này. Báo cáo công tác chính phủ thường niên công bố vào đầu tháng 3 này đã dành hẳn một mục cho nội dung ngăn ngừa và xử lý những rủi ro lớn, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và nợ chính quyền địa phương. “Cần ngăn chặn sự gia tăng của nợ mới, đồng thời cắt giảm nợ cũ”, báo cáo viết về tình hình nợ của các địa phương.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, ông Ting Lu, trong báo cáo năm ngoái, chủ đề này không được nói đến nhiều như vậy. “Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế thận trong khoảng 5%, điều này có thể là tín hiệu về một sự dịch chuyển tiềm tàng sang xử lý các rủi ro tài chính và nợ ẩn của các chính quyền địa phương vào một thời điểm nào đó trong năm nay, nhất là trong nửa sau của năm, sau khi sự phục hồi kinh tế đã đi vào ổn định”, ông Lu nói.
Trong các bài phát biểu quan trọng gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng sử dụng ngôn từ tương tự để kêu gọi các quan chức giải quyết các rủi ro hệ thống. Tháng này, tân Thủ tướng Lý Cường cũng nói các chính sách nhằm “ngăn ngừa và xử lý rủi ro” là một trong những ưu tiên trước mắt của Chính phủ.
Trong 3 năm qua, Covid và cuộc khủng hoảng bất động sản đã khiến thu ngân sách của các địa phương Trung Quốc giảm sút, dù khó đưa ra được một con số chính xác.
Các số liệu chính thức cho thấy khó khăn này. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết chi cho y tế của nước này tăng gần 18% trong năm ngoái, lên mức 2,25 nghìn tỷ Nhân dân tệ, sau khi gần như đi ngang trong năm 2021. Thu ngân sách địa phương từ cấp quyền sử dụng đất giảm 23,3%, còn 6,69 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương giảm 288 tỷ USD. Trong khi đó theo giới phân tích, đất đai là nguồn thu chiếm khoảng 1/4 tổng thu ngân sách địa phương ở Trung Quốc.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG XOAY SỞ NGUỒN THU
Thu ngân sách địa phương từ đất đai được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm do tâm lý người mua nhà ở Trung Quốc vẫn chưa hồi phục - theo chuyên gia Sherry Zhao của Fitch Ratings. Bà Zhao cho rằng các địa phương có thể lựa chọn một trong 3 kênh để tăng thu ngân sách: thứ nhất là giảm mức cắt giảm thuế đã công bố trong đại dịch; hai là bán hoặc cho thuê tài sản; và xin thêm ngân sách trung ương.
Chính phủ Trung Quốc tăng 17,1% ngân sách cấp cho các địa phương trong năm ngoái và dự kiến tăng thêm 3,6% trong năm nay, với mức phân bổ dự kiến là 10,06 nghìn tỷ Nhân dân tệ - theo Bộ Tài chính nước này. “Ngân sách trung ương cấp cho địa phương chiếm khoảng 60% trong phần tăng thêm của thâm hụt ngân sách trung ương”, một báo cáo của S&P cho biết.
Các nhà phân tích của S&P không cho rằng các địa phương Trung Quốc sẽ tìm đến việc vay nợ ngoài bảng cân đối kế toán. “Ngay cả những địa phương yếu về tài khoá cũng ít có khả năng sử dụng đến nợ ẩn, chẳng hạn vay nợ thông qua LGFV. Xu hướng dài hạn là rõ ràng: Bắc Kinh muốn giảm sự phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư”, báo cáo viết.
Dù vậy, các chính quyền địa phương vẫn có hoá đơn phải thanh toán và các dịch vụ công phải đáp ứng, nghĩa là họ vẫn cần phải có tiền. Thông thường, các chính quyền địa phương phải tự trang trải hơn 85% chi tiêu, nhưng chỉ thu được khoảng 60% từ thuế.
Do vậy, một số địa phương đang tìm những cách mới để có tiền, nhưng một trong những cách làm của họ lại gây tổn hại cho quyến tiếp cận thị trường bình đẳng của các công ty chia sẻ xe đạp. Điều này đã được thể hiện trong danh sách các vi phạm quyền tiếp cận thị trường do Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia (NDRC) - cơ quan giám sát hoạch định kinh tế của Trung Quốc - công bố trong nửa năm qua.
Ngành chia sẻ xe đạp đã phát triển bùng nổ ở Trung Quốc mấy năm trước, thu hút hàng loạt công ty từ nhỏ đến lớn như Hello Bike với sự hậu thuẫn của “gã khổng lồ” Alibabam, và Mobike - công ty đã được “đế chế” giao hàng thực phẩm Meituan mua lại.
Các quy chế giám sát đối với lĩnh vực này chỉ ở mức hạn chế, nên thường đồng nghĩa số lượng lớn xe đạp chiếm diện tích vỉa hè. Giờ đây, chính quyền các địa phương đang tìm cách hạn chế số doanh nghiệp trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp bằng cách bán hạn ngạch theo định kỳ vài năm một lần.
Trong số những vụ mà Chính phủ Trung Quốc đề cập, báo cáo của NDRC cho biết thành phố Trương Gia Giới đã bán một số hạn ngạch kỳ hạn 5 năm để thu hơn 45 triệu Nhân dân tệ (6,6 triệu USD), cao cấp 10 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, phần lớn số vụ được đề cập không đi kèm tổng giá trị giao dịch cụ thể.
Một cuộc bán đấu giá hạn ngạch chia sẻ xe đạp khác vào tháng 5 năm ngoái được cho là đã thu về 189 triệu Nhân dân tệ ở thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Thành phố này chỉ công bố mức giá khởi điểm mà nhà chức trách gọi là “nguồn lực công cộng”, với tổng giá trị 17,3 triệu Nhân dân tệ.