Số liệu nợ công hiện nay đã tính đúng, tính đủ chưa? Nguồn trả nợ như thế nào? Đó là những câu hỏi được đặt ra từ các kỳ họp trước cho đến kỳ họp này của Quốc hội.
Tại kỳ họp này, khi thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2012, có đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng và sâu sắc hơn về dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia, vì hiện nay chính Kiểm toán Nhà nước cũng không có cơ sở xác định nợ công năm 2012 khi thực hiện kiểm toán chuyên đề về nợ công trong năm 2012.
Hoàn thành ngày 26/5/2014, báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của Chính phủ đã vừa được gửi đến Quốc hội đã trả lời các câu hỏi này.
Vẫn trong giới hạn
Thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2013 tổng số vốn vay nợ công, gồm vay Chính phủ, vay được bảo lãnh Chính phủ và vay của chính quyền địa phương ước đạt 513.720 tỷ đồng, tăng 23,4% so với thực hiện năm 2012.
Tổng số dư nợ công đến ngày 31/12/2013 ở mức 1.913 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4% GDP. Trong đó dư nợ Chính phủ ở mức 1.488 tỷ nghìn đồng, bằng 41,5% GDP.
Cũng tính đến cuối năm 2013, tổng số dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài là 104 dự án, trong đó có 23 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 81 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh.
Các dự án này chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, hàng không, xi măng, dầu khí…
Năm qua, Chính phủ tiếp tục cấp bảo lãnh cho 8 chương trình dự án vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế với tổng trị giá 3.161 triệu USD.
Gồm, dự án mua máy bay A321 trị giá 421 triệu USD; tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng 300 triệu USD, bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) theo đề án tái cơ cấu Vinashin trị giá 627 triệu USD…
Tổng số vốn vay nước ngoài được bảo lãnh Chính phủ giải ngân trong năm 2013 là 52.340 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Vẫn theo báo cáo, tổng trị giá vốn vay được bảo lãnh Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng bình quân gần 50%/năm.
Phần chi trả nợ của Chính phủ trong cân đối ngân sách năm 2013 ước đạt 103.700 tỷ đồng, theo Chính phủ vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của Việt Nam là dưới 25% thu ngân sách nhà nước và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.
Vay để đảo một phần nợ
Kế hoạch huy động và sử dụng vốn vay trong 2014 cũng được Chính phủ báo cáo với Quốc hội.
Cụ thể vay trong nước 367.000 tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.
Rút vốn vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài của Chính phủ trên cơ sở các hiệp định vay đã ký, dự kiến 4.520 triệu USD, tương đương 95.800 tỷ đồng, báo cáo cập nhật.
Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 70.492 tỷ đồng, còn hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh là 2.800 triệu USD, báo cáo cho hay.
Liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014, báo cáo cho biết con số là 208.883 tỷ đồng, bao gồm: trả nợ trong nước 159.683 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 49.200 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Dũng thì Việt Nam đã thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn năm 2014, chủ yếu là đảo nợ gốc đối với các khoản trái phiếu chính phủ trong nước để xử lý rủi ro tái cấp vốn do kỳ hạn trái phiếu ngắn.
Một khó khăn được Chính phủ nhìn nhận là dư nợ công tăng nhanh qua các năm. So với năm liền trước thì dư nợ công năm 2011 tăng 24,8%, năm 2012 tăng 17%, và năm 2013 tăng 17,4%.
Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải và tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả.
Hiện nay, vốn vay chủ yếu là để bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, song hiệu quả đầu tư chưa cao (ICOR năm 2013 ở mức 5,62), Bộ Tài chính phân tích.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, xu hướng dự án được Chính phủ bảo lãnh/cho vay lại gặp khó khăn trả nợ gia tăng, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tạo ra tâm lý dựa dẫm vào sự bảo đảm của ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được bảo lãnh.
Con số cụ thể là quỹ tích luỹ trả nợ phải ứng ra trả thay cho các dự án có xu hướng tăng lên trong các năm gần đây, năm 2010 là 1.676 tỷ đồng; năm 2011 là 2.437 tỷ đồng; năm 2012 là 2.588 tỷ đồng và năm 2013 là 3.072 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ công, nợ Chính phủ có xu hướng gia tăng.
Tuy vậy, Chính phủ khẳng định, công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đã được tăng cường, ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận với các thông lệ tốt trên thế giới.
Kết thúc báo cáo, Chính phủ hứa sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin về nợ công, rút ngắn thời gian thu thập số liệu, báo cáo và công bố thông tin nợ công trong thời gian tới.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate