Chiến lược bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ của Trung Quốc bằng cách hạn chế thanh khoản trong nước đang gây ra những tác động tiêu cực trong hệ thống tài chính nước này. Theo hãng tin Bloomberg, các ngân hàng Trung Quốc đang loay hoay vì thiếu thanh khoản trong khi các quỹ đầu tư trái phiếu hứng thua lỗ.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hút tiền mặt thông qua các hoạt động thị trường mở trong hầu hết các ngày của tháng 2 này, theo đó hỗ trợ đồng nhân dân tệ bằng cách khiến tiền mặt nội tệ trở nên khan hiếm hơn.
Nhưng điều đó đã gây ra những hệ quả không lường trước được: các ngân hàng tích trữ tiền mặt thay vì cho ngân hàng khác vay, trong khi các quỹ đầu tư trái phiếu đối mặt thua lỗ vì các nhà đầu tư buộc phải bán trái phiếu để huy động tiền. Đây là nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2024 trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.
CÁC NGÂN HÀNG KHAN HIẾM TIỀN MẶT
Dấu hiệu mới nhất về tình trạng khan tiền mặt tại các ngân hàng Trung Quốc là sự sụt giảm mạnh trong hoạt động cho vay thông qua hợp đồng mua lại - hay còn gọi là hợp đồng repo. Theo giới thạo tin, vào giữa tháng 2, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã cắt giảm lượng vốn cho vay trên thị trường repo về mức chỉ bằng khoảng 2/3 so với mức bình quân hàng ngày của năm ngoái.
Nhà phân tích Yang Yewei tại công ty môi giới chứng khoán Guosheng Securities, viết trong một báo cáo: “Nếu áp lực khan hiếm tiền mặt đối với các ngân hàng và chi phí còn tăng, điều đó có thể hạn chế khả năng của các ngân hàng trong việc cấp vốn vay và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi nghi rằng tình trạng thắt chặt thanh khoản này có thể kéo dài”.
Tình trạng khan hiếm tiền mặt xảy đến đúng vào thời điểm không thuận lợi đối với các ngân hàng thương mại của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 tháng, tiền gửi tại ngân hàng của các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã giảm khoảng 1/4 so với mức của tháng 11.
Sự sụt giảm hày diễn ra sau khi nhà chức trách Trung Quốc có động thái vào cuối năm ngoái nhằm giới hạn mức lãi suất mà các ngân hàng có thể trả cho các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng. Tỷ lệ tiết kiệm giảm cũng gây áp lực giảm lượng tiền gửi tại các ngân hàng.
Lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày trên thị trường liên ngân hàng ở Trung Quốc đang cao hơn nhiều so với lãi suất repo đảo ngược của PBOC - một lãi suất tham chiếu chủ chốt trên thị trường. Trong tuần trước, ngày nào chênh lệch giữa hai lãi suất này cũng vượt mức 0,5 điểm phần trăm.
CÁC QUỸ TRÁI PHIẾU LAO ĐAO
Trong khi đó, theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc - một ấn phầm truyền thông nhà nước - ở thời điểm giữa tháng 2, hơn một nửa quỹ đầu tư của Trung Quốc có tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu đã rơi vào tình trạng thua lỗ nếu tính từ đầu năm.
Các quỹ này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thắt chặt thanh khoản - nguyên nhân gây áp lực lên giá trái phiếu vì các nhà đầu tư phải bán trái phiếu để có tiền mặt.
Tình trạng thua lỗ của các quỹ trái phiếu càng trở nên trầm trọng hơn do nhà đầu tư quan tâm trở lại đến thị trường chứng khoán. Sự hưng phấn với cổ phiếu được thúc đẩy bởi niềm lạc quan liên quan tới công ty khởi nghiệp (startup) trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek của Trung Quốc và các dấu hiệu về sự hỗ trợ mới của Bắc Kinh đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Nhà phân tích Lv Pin tại công ty Topsperity Securities nhận định trong một báo cáo: “Kết quả hoạt động kém của các quỹ đầu tư trái phiếu khiến các quỹ này dễ bị rút vốn khi tâm lý về đầu tư cổ phiếu đang được cải thiện… Điều này có thể làm trầm trọng thêm áp lực bán trên thị trường trái phiếu và gây nguy cơ xuất hiện một vòng xoáy đi xuống của giá trái phiếu”.
Một chỉ số của Bloomberg đo diễn biến giá trái phiếu chính phủ Trung Quốc cho thấy tháng 2 này có thể sẽ trở thành tháng thua lỗ đầu tiên của nhà đầu tư tài sản này kể từ tháng 9/2023.
Những tác động bất lợi mà các ngân hàng và quỹ trái phiếu trong nước của Trung Quốc phải đối mặt cho thấy quyết tâm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ của Bắc Kinh đang đặt ra vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư.
Khi PBOC tung một loạt biện pháp kích thích kinh tế vào tháng 9 năm ngoái, giới đầu tư đã hy vọng cơ quan này sẽ mở ra một thời kỳ mới của chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên kể từ đó, PBOC không có thêm bước đi quyết đoán nào nữa trong bối cảnh có những lo ngại rằng việc nới lỏng quá nhiều sẽ gây áp lực mất giá lớn lên nhân dân tệ.
Nhưng một số nhà quan sát thị trường cho rằng PBOC sẽ sớm đưa ra biện pháp kích thích kinh tế mới. Các nhà giao dịch đang đặc biệt chú ý đến kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3 tới, khi giới chức nước này công bố các ưu tiên chính sách trong năm.
“Việc Trung Quốc chấp nhận sự hạn chế thanh khoản ở thời điểm này cho thấy họ có thể đang tận dụng cơ hội về một sự giải tỏa tạm thời sau khi Mỹ áp thuế quan ít hơn kỳ vọng ban đầu lên hàng hóa Trung Quốc. Việc PBOC trì hoãn có thêm các biện pháp nới lỏng ở thời điểm hiện tại có thể dọn đường cho nới lỏng hơn nữa trong tương lai”, chiến lược gia cấp cao Zhaopeng Xing của ngân hàng ANZ nhận định.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục phiên ngày thứ Hai dao động quanh mức 7,25 nhân dân tệ đổi 1 USD. Nhân dân tệ đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn còn yếu hơn nhiều mức xấp xỉ 7 nhân dân tệ đổi 1 USD trước khi PBOC công bố loạt biện pháp kích thích kinh tế hồi tháng 9 năm ngoái.