April 17, 2025 | 11:23 GMT+7

Nỗ lực của thương hiệu xa xỉ châu Âu để bảo vệ lợi nhuận tại Mỹ

Minh Nguyệt -

Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Bernard Arnault giảm mạnh tới 9 tỷ USD sau khi cổ phiếu của LVMH – tập đoàn thời trang xa xỉ mà ông đang điều hành – lao dốc hơn 7%...

Ảnh: Fashion Council
Ảnh: Fashion Council

Doanh thu của LVMH trong ba tháng đầu năm nay giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với dự báo tăng 2% từ giới phân tích mà Reuters ghi nhận. Cú sốc từ kết quả kinh doanh đã làm bốc hơi hàng chục tỷ USD vốn hóa thị trường của công ty.

Cổ phiếu niêm yết tại Paris của LVMH trong phiên chiều thứ Ba giảm tới 7,53%, còn 554,76 USD (tương đương 490,05 euro). Việc doanh số bán hàng giảm làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng trong những quý tiếp theo, khiến giới đầu tư nhanh chóng phản ứng và đẩy giá cổ phiếu đi xuống. Sự sụt giảm mạnh này lập tức kéo theo giá trị tài sản cá nhân của ông Arnault đi xuống theo.

Trong báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu của LVMH giảm đồng đều ở các thị trường khác nhau toàn cầu, ngoại trừ châu Âu tăng trưởng 2%. Cụ thể, doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ giảm 3% và doanh số bán hàng tại Nhật Bản giảm 1%. Khu vực châu Á, không bao gồm Nhật Bản, giảm 11%.

Ở các hạng mục sản phẩm, ngành Rượu vang và rượu mạnh tiếp tục giảm lớn nhất, đến 8%. Kế đó là mặt hàng Thời trang và đồ da, xuống 4%. Trang sức và đồng hồ tăng nhẹ, 1%, theo tập đoàn cho biết vì nhu cầu mua sắm ở Hoa Kỳ vẫn ổn định cho. ngành hàng này. Mỹ phẩm và bán lẻ ổn định, không thay đổi so với cùng kỳ 2024.

Nỗ lực của thương hiệu xa xỉ châu Âu để bảo vệ lợi nhuận tại Mỹ - Ảnh 1

Với việc cổ phiếu giảm sâu, vốn hóa thị trường của LVMH đã rơi xuống còn 277 tỷ USD và đánh mất danh hiệu “thương hiệu xa xỉ có giá trị nhất thế giới”. Danh hiệu này hiện đang thuộc về đối thủ cạnh tranh – Hermès. Tính đến chiều thứ Ba tại Paris, vốn hóa của Hermès đạt 279,82 tỷ USD (247,24 tỷ euro), dù cổ phiếu hãng này cũng giảm nhẹ 0,3% so với phiên trước, về mức 2.650,76 USD (2.342,00 euro).

Tờ Financial Times nhận định thực tế ngành công nghiệp xa xỉ đã gặp khó khăn hậu đại dịch Covid-19 do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và mới đây nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Hàng loạt các cổ phiếu xa xỉ khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề với Prada giảm 4,2% và Kering giảm 1,4%. Cổ phiếu của L'Oréal và Puig cũng giảm sau khi kết quả của LVMH khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ về sự suy thoái rộng hơn trong ngành.

Báo cáo của Berstein dự đoán lĩnh vực hàng xa xỉ sẽ phải chịu mức giảm 2% doanh thu vào năm 2025, đảo ngược dự báo tăng trưởng 5% trước đó. Hầu hết hàng xa xỉ được sản xuất tại Pháp và Italy, trong khi đồng hồ cao cấp được sản xuất tại Thụy Sĩ. Thuế đối ứng của Mỹ với liên minh Châu Âu (EU) là 20% nhưng giảm xuống 10% sau khi Tổng thống Donald Trump hoãn 3 tháng.

Theo Financial Times, tâm lý người tiêu dùng là yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngành hàng xa xỉ vì thứ họ thực sự bán là sản phẩm vô hình, là sự sang trọng hay cảm giác thượng lưu thay vì giá trị thực tế của món đồ. Bởi vậy bất cứ biến động nào cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Nỗ lực của thương hiệu xa xỉ châu Âu để bảo vệ lợi nhuận tại Mỹ - Ảnh 2

Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Erwan Rambourg tại HSBC cho rằng rủi ro của ngành hàng xa xỉ chủ yếu nằm ở sức mua của người tiêu dùng giảm cũng như tâm lý của khách hàng bị lay động. "Sẽ có ít chai rượu champagne ăn mừng được mở hơn trong năm nay", ông Rambourg dự đoán. Phía HSBC dự đoán doanh số hàng xa xỉ sẽ giảm 5% trong năm nay, thay đổi so với dự báo ổn định trước đó.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý 1/2025 của tập đoàn LVMH không liên quan gì mấy đến các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ mà tổng thống Donald Trump đề xuất, các nhà phân tích tài chính muốn biết tập đoàn sẽ đối phó như thế nào. Tỷ phú Bernard Arnault được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Mỹ, do đó phản ứng của công ty đối với các chính sách thuế quan có thể đóng vai trò là dấu hiệu cảnh báo cho mức độ tồi tệ của tình hình.

Trong buổi họp báo cáo tài chính, Giám đốc tài chính của tập đoàn, bà Cécile Cabanis, cho biết LVMH đã chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó. Trong quá khứ, LVMH thường tránh tăng giá để tăng doanh thu. Việc tăng giá chỉ nhằm cân bằng lạm phát hoặc chi phí tăng trong sản xuất, ví dụ khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong giai đoạn đại dịch toàn cầu. Bây giờ, tập đoàn có thể xem xét tăng giá để đối phó với chính sách thuế quan ở Hoa Kỳ.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn LVMH, ông Bernard Arnault, thừa nhận Mỹ đã liên tiếp đề nghị LVMH mở rộng sản xuất tại thị trường Mỹ và tập đoàn đang xem xét nghiêm túc đề nghị này.

Theo Giám đốc tài chính Cécile Cabanis, ba xưởng sản xuất của LVMH ở Hoa Kỳ hiện tại đang phục vụ khoảng 1/3 nhu cầu mua sắm của khách hàng riêng tại thị trường này. Bên cạnh đó, Tiffany & Co. sản xuất hầu hết các sản phẩm trang sức ở Mỹ, nên sẽ không bị ảnh hưởng vì thuế quan.

Nỗ lực của thương hiệu xa xỉ châu Âu để bảo vệ lợi nhuận tại Mỹ - Ảnh 3

Dẫu vậy, muốn tăng cường sản lượng của các xưởng sản xuất Hoa Kỳ không phải là điều có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Bà Cécile Cabanis nói, “cần khá nhiều thời gian để chuẩn bị, nhưng đó là điều chúng tôi có thể cân nhắc trong một khuôn khổ và khung thời gian hợp lý”. Bà cho biết cần có thời gian để tuyển dụng và đào tạo những công nhân lành nghề có kinh nghiệm.

Theo Joëlle de Montgolfier, Phó giám đốc Bain & Company, thị trường Mỹ đã tiêu thụ 7,8% sản lượng quần áo của Pháp (trị giá 1,8 tỷ euro), gần 13% lượng mỹ phẩm (2,8 tỷ euro) và 13% túi xách (hơn 1 tỷ euro) năm vừa qua. Đây là nhà nhập khẩu mỹ phẩm và thời trang nữ lớn nhất của Pháp, và chỉ sau Trung Quốc về đồ da.

Khi lo ngại về thuế nhập khẩu đang lan rộng, bà François-Marie Grau, đại diện Liên đoàn Thời trang nữ Pháp, cảnh báo các doanh nghiệp hàng xa xỉ đối mặt với lựa chọn khó khăn: Chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng giá bán, đẩy mạnh sản xuất nội địa hay chuyển hướng sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn. 

Axel Dumas, Chủ tịch Hermès, tuyên bố sẽ tăng giá sản phẩm tương ứng với mức thuế quan bổ sung. CEO Kering François-Henri Pinault cũng khẳng định các thương hiệu của tập đoàn như Gucci, Balenciaga và Yves Saint Laurent sẽ "xem xét lại chiến lược giá" nếu thuế quan được áp dụng, theo Reuters.

Song, các nhà phân tích cho rằng khả năng tăng giá của các thương hiệu trong năm nay rất hạn chế, do nhiều mặt hàng xa xỉ đã lập kỷ lục về giá trong những năm qua. "Chúng tôi đã bàn nhiều về hiện tượng 'lạm phát lòng tham' suốt 12 tháng qua, khi các thương hiệu đẩy giá quá xa, quá nhanh và quá cao, khiến họ dần đánh mất nhóm khách hàng trung lưu có khát vọng sở hữu hàng hiệu", chuyên gia từ HSBC, Erwan Rambourg, nhận định.

Nỗ lực của thương hiệu xa xỉ châu Âu để bảo vệ lợi nhuận tại Mỹ - Ảnh 4

Trước mắt, các hiệp hội xa xỉ châu Âu đang tích cực vận động hành lang, trong đó một số liên đoàn mỹ phẩm kêu gọi Brussels thận trọng khi đáp trả Washington. Bất chấp rủi ro, một số doanh nghiệp vẫn duy trì tinh thần lạc quan. Horace kỳ vọng mức thuế mới sẽ chỉ làm giá bán mỗi sản phẩm tăng thêm 1 USD - con số không quá lớn để ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Mỹ. Thương hiệu này vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng tại Mỹ sau khi có mặt trên Amazon từ ngày 3/3.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate